A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Bạch Thông – Bắc Kạn: Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững

Huyện Bạch Thông được coi là một trong những điểm sáng của tỉnh Bắc Kạn với mô hình chuỗi tiêu thụ bền vững nông sản.

Chủ động xây dựng sản phẩm chất lượng

Là huyện miền núi, nơi tập trung đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, mới đây, huyện Bạch Thông vinh dự là một trong những địa phương được Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn ưu tiên chọn lựa để xây dựng Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP. Đây là điểm bán tương đối đặc biệt vì không nằm ở trung tâm của Bắc Kạn. Có được điều này là do Bạch Thông đang có lợi thế về những sản phẩm nông sản tiêu biểu, chất lượng, có khả năng tìm được đầu ra.

Huyện Bạch Thông – Bắc Kạn: Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững
Huyện Bạch Thông có thế mạnh về thảo dược, có thể phát triển thành sản phẩm hàng hoá (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn)

Những năm gần đây, huyện Bạch Thông đã tập trung khai thác, phát huy lợi thế về sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển các vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa gắn với phát triển du lịch. Với mục tiêu xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ, bền vững, năm 2024, Bạch Thông lựa chọn xây dựng, phát triển mô hình dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với văn hóa, tri thức bản địa của người Dao, xã Vi Hương.

Dù là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng xác định những lợi thế ở mảng sản phẩm dược liệu, thời gian qua, địa phương đã phát triển vùng nguyên liệu 20 ha với 50 hộ liên kết phục vụ sản xuất; hợp tác xã trực tiếp chế biến 400 tấn thảo dược nguyên liệu (tươi), thành phẩm dự kiến đạt 100 tấn thảo dược khô/năm; giải quyết việc làm cho 70 lao động ở địa phương, với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng.

Có sản phẩm chất lượng còn chưa đủ, quan trọng là phải có các doanh nghiệp, hợp tác xã giúp chế biến và bao tiêu sản phẩm. Theo đó, hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành Hợp tác xã Thiên An (HTX) là một trong những hợp tác xã đi đầu trong việc trồng, khai thác và chế biến cây dược liệu gắn với văn hóa, tri thức bản địa của người Dao. Năm 2020, HTX Thiên An đã thực hiện Dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thảo dược theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, theo đó đã phát triển 10 ha vùng nguyên liệu trên địa bàn xã. Ngoài ra, HTX còn khai thác một số loại dược liệu bản địa từ rừng tự nhiên phục vụ sản xuất.

Hiện nay, HTX đã tự trang bị được loại máy sấy lạnh, sấy nhiệt, máy nghiền, máy đóng gói tự động đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm dược khô được Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận, tuy nhiên chưa có các loại máy móc để thực hiện sản xuất, đóng gói các loại thảo dược dạng lỏng, cô đặc... Ngoài ra, HTX đã xây dựng được 320 m2 nhà xưởng để sản xuất mỹ phẩm CGMP (Thực hành tốt sản xuất); gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm 18 m2, phòng tắm dược liệu 15 m2.

Để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ khách hàng, HTX đã đầu tư các hạng mục cho khu trải nghiệm như nhà xưởng, nhà kho, nhà trưng bày sản phẩm, các phòng tắm thảo dược, chòi trải nghiệm văn hóa dân tộc, hệ thống sân, nhà vệ sinh, tường rào, cầu qua suối, bể xử lý nước thải, hệ thống điện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trải nghiệm cho du khách. Nhờ đó đến nay, các sản phẩm của HTX đã thu hút đông đảo khách du lịch.

Đặc biệt, HTX được hỗ trợ phát triển thương mại điện tử và hiện nay đã có trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp; Fanpage giới thiệu các sản phẩm trên mạng xã hội; nền tảng kết nối thương mại điện tử dành cho nông sản AgriConnect được xây dựng để kết nối các gian hàng trên các sàn Buudien.vn, Tiki, Shopee... giúp rộng mở đầu ra cho sản phẩm.

Tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương, thời gian tới, huyện Bạch Thông xác định đã, đang và sẽ triển khai các bước tuyên truyền, rà soát các tổ chức kinh tế, hỗ trợ, tư vấn khuyến khích đăng ký sản phẩm tham gia OCOP để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm địa phương. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện thủ tục hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm; tư vấn hoàn thiện nhà xưởng, máy móc, thiết bị; tư vấn hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm…

Đồng thời, huyện cũng bố trí từ nguồn ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác và nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ cho các hoạt động hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, tem nhãn cho những sản phẩm có chất lượng; xây dựng, củng cố các địa điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP. Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hình thức tuyên truyền, các chương trình triển lãm, kết nối, giới thiệu sản phẩm do tỉnh tổ chức.

Bên cạnh đó, xác định đầu ra cho sản phảm là quan trọng, UBND huyện Bạch Thông phối hợp với Sở Công Thương, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tổ chức Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại HTX Thiên An, tại phố Ngã Ba, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông.

Điểm bán có 30 sản phẩm OCOP Bắc Kạn được xếp hạng từ 3 sao trở lên và các sản phẩm thế mạnh của địa phương nói chung. Đây sẽ là địa chỉ uy tín, là kênh quan trọng giúp tiêu thụ hiệu quả sản phẩm địa phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết