A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm gì để nâng giá trị cá tra?

Cá tra-loài thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)-hiện là sản phẩm quốc gia và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước ĐBSCL, ngành hàng cá tra nước ta không ngừng phát triển và đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu. Sản lượng cá tra thu hoạch hằng năm khoảng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi năm đạt hơn 2 tỷ USD, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn người lao động.

Nuôi cá tra tại tỉnh Vĩnh Long. 

Năm 2022, dù chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19 nhưng ngành hàng cá tra nước ta đã duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng, tận dụng tối đa nhu cầu từ thị trường sau đại dịch, bảo đảm sản lượng dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 2,4 tỷ USD (tính đến ngày 15-11-2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt 2,23 tỷ USD) cao nhất trong lịch sử của ngành hàng này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng cá tra cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, như: Tỷ lệ chế biến phi lê cao, chế biến sâu còn ít nên giá trị gia tăng chưa cao. Phế, phụ phẩm từ cá tra đã được chế biến thành collagen (mỹ phẩm), dầu ăn, thức ăn chăn nuôi vẫn chưa nhiều. Do đó, con cá tra hiện vẫn chưa thể phát huy hết hiệu quả kinh tế với tiềm năng vốn có của nó.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: Phụ phẩm của cá tra là máu cá vẫn chưa được chế biến. Nếu có thể nghiên cứu, chế biến, tận dụng nguồn phụ phẩm này sẽ góp phần giúp khai thác hiệu quả kinh tế từ cá tra; đồng thời góp phần xây dựng nền nông nghiệp của Việt Nam theo hướng tuần hoàn, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo tình hình cung-cầu. Đặc biệt, cần chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững. Cùng với đó là sự quan tâm, chú trọng tới xây dựng thương hiệu, phát triển thương mại điện tử, mở rộng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cả xuất khẩu lẫn nội địa.

 


Tags: cá tra
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết