A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan tỏa nghệ thuật vẽ sáp ong của phụ nữ dân tộc Hmong hoa

Mới đây, Craft link đã tổ chức trình diễn “Nghệ thuật dệt lanh và vẽ sáp ong” của phụ nữ dân tộc Hmong hoa ở xã Chế Cu Nha nhằm lan tỏa nghề thủ công độc đáo.

Kỹ thuật độc đáo

Chế Cu Nha - một trong 13 xã của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái - là nơi sinh sống của cộng đồng người H’Mong hoa. Hầu hết người dân nơi đây mặc trang phục truyền thống được may bằng vải lanh với những hoa văn trang trí bằng phương pháp vẽ sáp ong, nhuộm chàm kết hợp với thêu và ghép vải.

Theo chị Lý Thị Ninh (bản Trống Tông), để vẽ hoa văn bằng sáp ong, người H’Mong hoa thường dùng vải cotton hoặc vải lanh đã giặt sạch và được làm phẳng.

Bút vẽ là một dụng cụ đặc biệt có cán bằng tre và đầu bằng hai tấm đồng nhỏ có cạnh tròn và trơn, úp vào nhau để chứa sáp ong nóng bên trong. Sáp ong là loại sáp được khai thác trong rừng.

Vẽ  sáp ong

Kỹ thuật vẽ sáp ong độc đáo của người dân tộc Hmong hoa tại Chế Cu Nha

Vẽ sáp ong là một kỹ thuật trang trí trên vải khá phổ biến của rất nhiều dân tộc thiểu số. Về cơ bản, đó là kỹ thuật sử dụng sáp ong nóng chảy vẽ trên mặt vải, che phủ những vị trí muốn giữ lại màu gốc của vải.

Tấm vải sẽ được nhuộm với những màu nhuộm nguội và sau cùng được luộc trong nước sôi. Sáp ong tan chảy trong nước sôi sẽ để lộ ra những phần hoa văn được che phủ. Sáp ong chỉ có thể dùng để vẽ khi ở trạng thái nóng chảy.

Để hoàn thiện sản phẩm, nghệ nhân đun nước sôi và nhúng miếng vải đã nhuộm với cao chàm vào luộc. Sáp ong sẽ tan chảy dưới sức nóng và bị tách ra khỏi tấm vải.

Lúc này các hoa văn trước đây bị sáp ong bao phủ sẽ lộ ra và có màu trắng ban đầu của vải, nổi bật trên nền vải màu chàm. Miếng vải sẽ được giặt sạch và phơi khô, sau đó được sử dụng để may vào các sản phẩm phù hợp.

Phụ nữ H'mong hoa có kỹ năng điêu luyện trong nghệ thuật vẽ trang trí bằng sáp ong. Điều này được phản ánh rõ nét trên váy, áo, địu trẻ em của nhóm dân tộc này. Mỗi sản phẩm được làm ra đều chứa đựng niềm tự hào và tình yêu của các nghệ nhân.

Chị Lý Thị Ninh cũng cho hay, phụ nữ H’Mong hoa từ khi 6-7 tuổi đã được mẹ truyền dạy cách thêu, cách làm trang phục truyền thống. Chị, em trước khi về nhà chồng đều tự may cho mình những bộ váy đẹp nhất để mang theo. Những bộ váy truyền thống đó phải làm bền bỉ hàng năm trời, thậm chí nhiều năm mới xong.

Tạo sinh kế từ nghề truyền thống

Thổ cẩm giờ đây không chỉ còn là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày của phụ nữ H’Mong hoa ở Chế Cu Nha nữa. Năm 2009 với sự hỗ trợ của Craft Link thông qua các hoạt động tập huấn mẫu mã, giới thiệu quảng bá sản phẩm thổ cẩm đã trở thành hàng hoá, trở thành nguồn thu nhập cho chị, em. Văn hoa thổ cẩm H’Mong hoa được đưa vào những chiếc túi đeo, thắt lưng, khăn trải bàn và cả những chiếc áo mang thiết kế hiện đại, độc đáo.

Che  Cu  Nha

Thổ cẩm đã trở thành sinh kế của người phụ nữ Hmong hoa tại Chế Cu Nha

Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc H’Mong của Chế Cu Nha khởi đầu với 25 thành viên, giờ đã tăng lên 45 thành viên. Sản phẩm của tổ hợp tác được tiêu thụ tại địa phương và một phần xuất khẩu. “Ngoài tiêu thụ qua Craft Link, chị em còn tự mày mò thông qua mạng xã hội Zalo và Facebook để giới thiệu hàng hoá, bán sản phẩm sang Thái Lan và Lào” – chị Ninh nói.

Và điều bà Trần Tuyết Lan - Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm xã hội Craft Link (Craft Link) tâm đắc khi thực hiện các dự án hỗ trợ phụ nữ vùng dân tộc thiểu số không chỉ là có thêm thu nhập, cải thiện sinh kế mà còn đem lại sự tự tin, mạnh dạn hoà nhập xã hội hiện đại của họ. Bà Trần Tuyết Lan chia sẻ, người phụ nữ H’Mong hoa thường sống biệt lập trên các vùng núi cao, quanh năm làm bạn với nương rẫy, cỏ câ nêny việc đưa họ tiếp cận với hàng hoá, thị trường là rất khó. Đến với họ, hỗ trợ họ không chỉ có lòng kiên nhẫn mà rất cần sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành.

Sau hơn 7 năm tham gia tổ hợp tác, cuộc sống của Lý Thị Lì (bản Trống Tông) đã thay đổi đáng kể, từ chỗ không biết giờ chị có thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng phổ thông; từ chỗ quanh năm bận bịu với nương rẫy giờ chị đã được đi nhiều tỉnh, thành phố; từ chỗ không có thu nhập, không đủ lương thực để ăn giờ chị có thể mua áo mới cho những đứa con mỗi mùa khai giảng, mỗi dịp lễ tết.

Hơn 10 năm dự án Craft Link được triển khai, 3 năm Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được thực hiện, thổ cẩm truyền thống của người dân tộc H’Mong hoa tại Chế Cu Nha đã và đang được bảo tồn và phát triển. Người phụ nữ nơi đây bước ra khỏi sự ngại ngần dần chủ động được cuộc sống.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết