A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cà phê doanh nhân - đừng chỉ là phong trào

Mới đây trực tiếp tham dự buổi “Cà phê doanh nhân” do một địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức, nhiều người không khỏi băn khoăn khi buổi gặp gỡ có chủ đề rất hay nhưng thực tế không khác gì hội chợ triển lãm để các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Buổi cà phê thu hút hơn 100 doanh nghiệp tham gia, bày tỏ nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhất là về vốn, tình trạng giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn nguyên vật liệu xây dựng... Dù được tổ chức trong không gian mở, những ý kiến của doanh nghiệp được lãnh đạo ghi chép cẩn thận, nhưng đại diện các doanh nghiệp lại tỏ ra thất vọng sau phần trả lời của các sở, ngành địa phương.

Mô hình “Cà phê doanh nhân” xuất phát điểm từ tỉnh Đồng Tháp. Mục đích ban đầu của mô hình là tạo ra “không gian hành chính” mở giúp doanh nhân có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, đề xuất ý tưởng và kiến nghị với lãnh đạo địa phương các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Bên tách cà phê, doanh nhân và lãnh đạo địa phương có thể thoải mái trò chuyện, cùng nhau trao đổi thông tin. Doanh nhân được nói lên nguyện vọng của mình mà không bị bó buộc bởi các thủ tục hành chính, không bị hạn chế về thời gian. Còn đối với lãnh đạo địa phương thì đây cũng là cách để có điều kiện hòa mình vào cuộc sống của doanh nhân, có thêm kiến thức về thị trường từ phản biện của doanh nhân để thay đổi cách quản lý và đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp. Với mục đích đó, mô hình “Cà phê doanh nhân” đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố.

Nông dân Kon Tum thu hái càphê. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên sau nhiều năm tổ chức, đến nay, mô hình này ở nhiều địa phương đã không còn mang lại hiệu quả như mục đích ban đầu. Không ít điều suy tư, trăn trở của doanh nhân đã không được lãnh đạo địa phương và các ngành chức năng quan tâm, giải quyết. Rồi không ít sáng kiến, đề xuất của doanh nhân cũng không được lãnh đạo địa phương tạo điều kiện để triển khai trong thực tế. Cứ thế, người nói cứ nói, người nghe cứ nghe, nhưng mọi chuyện vẫn chẳng có gì thay đổi. Vậy là những buổi "Cà phê doanh nhân" trở nên nhàm chán, vô bổ. Đến gặp nhau cười cười nói nói, trả lời qua loa cho xong chuyện thì chỉ là hình thức.

Tổ chức "Cà phê doanh nhân” được ghi nhận là một sáng kiến hay, phù hợp với cách sống của người dân ở nhiều địa phương, nhất là các địa phương phía Nam. Đổi mới phương thức quản lý, lãnh đạo là một trong những đòi hỏi thường xuyên đối với lãnh đạo các cấp nhằm mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, điều dư luận mong muốn, dù tổ chức theo hình thức nào thì mục tiêu cao nhất là tính thiết thực, tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột". Khi đã thấy một mô hình mang lại hiệu quả trong thực tiễn và được thực tiễn kiểm nghiệm thì lãnh đạo các cấp cần duy trì và phát huy. Tổ chức làm bất kỳ điều gì, dù ở cấp nào cũng nên nhớ lời căn dặn của Bác Hồ: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết