Nỗi lo thiếu lao động ở làng nghề bánh đa Lộ Cương
Về Lộ Cương, phường Tứ Minh, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) hôm nay không còn thấy những ngôi nhà lụp xụp cùng với cảnh người dân lam lũ, vất vả như xưa, thay vào đó là một vùng quê đã “thay da đổi thịt”. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Có được kết quả này, một phần là do nghề làm bánh đa mang lại. Vậy nhưng, hiện nay, làng nghề đang đối mặt với nguy cơ thiếu lao động do không thu hút được thanh niên...
Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân
Sáng sớm, khi mặt trời mới ló rạng thì những phên bánh đa vừa tráng xong còn nghi ngút khói đã được người dân mang ra phơi trải dài khắp đường làng, ngõ xóm. Nghề làm bánh đa xuất hiện ở Lộ Cương từ thập niên 1960 nhưng đến những năm 1990-1995 mới thực sự phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia sản xuất. Tháng 3-2006, Lộ Cương chính thức được công nhận là làng nghề. Chị Vũ Thị Liên, một trong những hộ sản xuất bánh đa có tiếng của làng nghề, cho biết: “Làm nghề này rất vất vả, phải thức khuya dậy sớm. Để có thể cho ra lò những phên bánh đa vào buổi sáng sớm, người làm bánh phải thức dậy từ 2 giờ sáng để xay bột, tráng bánh, chưa kể việc ngâm gạo phải thực hiện từ tối hôm trước”.
Sản xuất bánh đa tại làng nghề Lộ Cương, phường Tứ Minh, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. |
Trước đây, người dân chủ yếu làm bánh đa thủ công, bột được xay bằng cối, tráng bánh trên nồi đồng đun củi, nhưng những năm gần đây đã được thay thế bằng máy tráng, máy cắt... Nhờ đó người làm bánh đa đỡ vất vả hơn trước và năng suất lao động cũng được tăng lên. Sản phẩm của làng đã có mặt ở nhiều nơi, cả trong và ngoài nước.
Chị Vũ Thị Liên cho biết thêm, công đoạn phơi bánh là vất vả nhất vì phụ thuộc vào thời tiết. Nếu trời nắng nhẹ, bánh được phơi khoảng 2-3 giờ; trời nắng to thì chỉ phơi chừng 2 giờ. Khi phơi bánh cần có kinh nghiệm về nhiệt độ, độ ẩm và phải tập trung để xử lý, nếu không mẻ bánh sẽ bị nứt, phải bỏ đi. Bánh đa phơi xong được đem đi cắt, sau đó tiếp tục mang phơi 2-3 giờ để bánh khô hẳn. Mỗi ngày, trung bình một hộ dân làm được 1-1,5 tạ bánh đa thành phẩm các loại, thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/hộ/tháng.
Nỗi lo thiếu lao động
Làng nghề sản xuất bánh đa truyền thống Lộ Cương đóng góp một phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao mức sống của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nhân lực, nhất là lao động trẻ để truyền nghề, giữ nghề và nâng quy mô sản xuất. Nguyên nhân là do sản xuất các mặt hàng bánh đa truyền thống khá vất vả, đòi hỏi tính kiên trì, sự khéo léo, kiên nhẫn, trong khi thu nhập không cao bằng nhiều ngành nghề khác nên không đủ sức thu hút, giữ chân lao động trẻ.
Ông Vũ Văn Luyến, Trưởng khu dân cư Lộ Cương A, phường Tứ Minh, chia sẻ: “Tại khu dân cư Lộ Cương A, trước kia có hơn 200 hộ làm nghề nhưng đến nay chỉ còn hơn 100 hộ. Lao động chủ yếu là người già, phụ nữ trung tuổi; thanh niên thì hầu hết vào làm việc trong các doanh nghiệp hoặc đi làm ăn xa, không còn mặn mà với nghề truyền thống của quê hương”.
Đồng chí Phạm Công Quân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tứ Minh cho biết: “Từ khi làng nghề truyền thống được công nhận đến nay, đời sống bà con đã từng bước được cải thiện, nhà cửa được xây mới, điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp. Thế nhưng, bên cạnh đó thì vấn đề thiếu lao động, nhất là lao động trẻ đang gây khó khăn cho việc duy trì sản xuất của làng nghề. Xu hướng thoát ly nghề truyền thống hiện rất rõ ràng trong giới trẻ. Ngoài những người học đại học thì số còn lại cũng đi làm tại các khu, cụm công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động”.
Bánh đa Lộ Cương là sản phẩm nổi tiếng, có tiềm năng phát triển hơn nữa nếu được đầu tư nguồn nhân lực, đồng thời áp dụng máy móc, trang bị hiện đại vào sản xuất. Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có giải pháp phù hợp để duy trì và phát triển làng nghề; có chính sách ưu đãi để thu hút thêm lao động trẻ...