Nông nghiệp công nghệ cao - nhìn từ Đà Lạt (Bài 2)
Bài 2: Mở ra hướng phát triển bền vững
![]() |
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã và đang là hướng đi bền vững cho Đà Lạt và các địa phương |
Thích ứng nhanh và linh hoạt trong quá trình vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Đà Lạt đã ứng dụng công nghệ 4.0 khá hiệu quả. Tuy chưa có mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 hoàn chỉnh nhưng đã có trên 10 doanh nghiệp và trang trại phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Chè Cầu Đất Đà Lạt (Cầu Đất Farm), Công ty TNHH Trang trại LangBiang, Công ty Cổ phần Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Đà Lạt GAP…
Hầu hết các mô hình nông nghiệp thông minh tại địa phương đều sử dụng hệ thống cảm biến kết nối vạn vật (IoT Sensors), các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối, điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất, công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng, canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh nhằm cách ly môi trường tự nhiên, chủ động ứng dụng đồng bộ công nghệ, xây dựng phòng thí nghiệm và sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống; các thiết bị được kết nối internet...
Bên cạnh đó, công nghệ màng bao phủ nhà kính bằng plastic 3 - 5 lớp có tác dụng chống tia UV (tia cực tím), khuếch tán ánh sáng, chống bám bụi và độ bền cao (5-7 năm). Nhiều loại phân bón thế hệ mới (công nghệ Nano, công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh,...) được ứng dụng trong canh tác thủy canh, trồng trên giá thể, công nghệ cấy ghép, thủy canh, trồng cây trên giá thể, từng bước được áp dụng rộng rãi.
Đà Lạt triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của địa phương và đã tổ chức đánh giá 21 sản phẩm của 9 đơn vị với các sản phẩm về Atisô, chè, cà phê, hoa tươi, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, rau, củ cấp đông, hồng khô. Kết quả đánh giá, có 2 sản phẩm đạt 5 sao, 14 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao. Thành phố đã hỗ trợ máy móc thiết bị, tem, nhãn sản phẩm cho 9 doanh nghiệp với kinh phí thực hiện 1.735 triệu đồng.
Chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, công nhận thành phố Đà Lạt hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019, 3/4 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người 4 xã đến cuối năm 2020 là 48,235 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với nhu cầu phát triển, đã vận động thành lập mới 11 hợp tác xã (HTX), xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, diện tích canh tác rau, hoa trong nhà kính là 570 ha; trên 165 ha được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao đã tạo việc làm ổn định cho 96,8% dân số trong độ tuổi lao động.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Tôn Thiện San xác định: Tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố; tập trung triển khai kiểm soát chất lượng nông sản và nông sản qua chế biến; lấy thị trường làm trọng tâm để tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, phát huy tốt các nguồn lực về khí hậu, thổ nhưỡng, con người, kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức lại các mô hình hợp tác một cách phù hợp, hiệu quả để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ; tiếp tục quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, tạo thành chuỗi liên kết bền vững.
Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững, hiện đại, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh. Xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao trên thị trường trong nước và khu vực.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thực hiện Đề án Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ; xác định việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp và phát triển thị trường là khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đến năm 2025. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 6.500 - 7.000 tỷ đồng; trong đó tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 85 - 90% giá trị ngành sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt 80% (8.500 ha) trên tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích đạt trên 450 triệu đồng/ha/năm.
Với tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới trong năm 2022, thành phố Đà Lạt kỳ vọng sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn, trở thành một địa phương có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân Đà Lạt sẽ ngày càng giàu có, văn minh hơn. Người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, nông thôn mới - đô thị văn minh sẽ ngày càng hiện đại, phồn vinh, thân thiện và thành phố Đà Lạt thực sự trở thành thành phố đẹp, hiện đại và đáng sống hơn.
Nguồn:baolamdong.vn Copy link