Phát triển làng nghề góp phần nâng cao đời sống nông dân
Hà Nội từ lâu được biết đến là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề Việt Nam. Công tác bảo tồn và phát triển làng nghề đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững; đồng thời, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước. Toàn thành phố hiện có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.
Những năm qua, các làng nghề Thủ đô đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, ở nhiều địa phương có làng nghề đã tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm.
Trong đó, khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Sự phát triển làng nghề đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho người trong độ tuổi lao động, người khuyết tật... Theo số liệu thống kê từ 24 quận, huyện, thị xã, tổng doanh thu của làng nghề, làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 22.000 tỷ đồng/năm.
Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng trở thành địa điểm trình diễn những tinh hoa làng nghề truyền thống, lan tỏa giá trị gốm Bát Tràng, quảng bá tới du khách thập phương |
Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cũng được ghi nhận đạt mức cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, bình quân phổ biến ở mức 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Tại một số quận, huyện, lao động làng nghề có thu nhập bình quân đạt từ 50 triệu đồng/người/năm trở lên như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất…
Để phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống, thời gian qua, nhiều làng nghề đã có những cách làm mới, sáng tạo, qua đó thu hút sự quan tâm của các đối tác cũng như du khách trong nước và nước ngoài.
Tại làng gốm Bát Tràng, quần thể kiến trúc hình tròn cách điệu của lò bầu truyền thống được nghệ nhân Hà Thị Vinh dày công đầu tư xây dựng tại làng nghề Bát Tràng đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách khi tham quan làng gốm. Công trình này được xây dựng với mục đích trở thành địa điểm trình diễn những tinh hoa làng nghề truyền thống, lan tỏa giá trị gốm Bát Tràng, quảng bá tới du khách thập phương.
Còn tại làng nghệ dệt lụa Vạn Phúc, nơi đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu điểm đến với du khách gần xa, việc truyền nghề cho thế hệ con cháu là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, Hà Đông, chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã động viên được một số cháu thế hệ trẻ tiếp tục theo nghề. Việc làm này đã đạt được một số kết quả nhất định khi có nhiều cháu sau khi học tập, công tác, thấy rằng về phục vụ sản xuất kinh doanh tại địa phương có nhiều thuận lợi hơn”.
Thành phố cam kết luôn đồng hành phát triển làng nghề
Hà Nội là vùng đất trăm nghề với nguồn lực phát triển của các làng nghề là khá lớn. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương chưa khai thác hết thế mạnh, tiềm năng bởi chưa có quy hoạch tổng thế các nguồn lực vốn có của làng nghề.
Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm của các làng nghề truyền thống, thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các sự kiện, tuần hàng, hội thi, lễ hội, tham gia hội chợ trong nước và quốc tế để tôn vinh sản phẩm làng nghề. Từ đó, các nghệ nhân, thợ giỏi có cơ hội giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của làng nghề; phát huy ý tưởng mới để tạo nên sản phẩm phù hợp thị hiếu đương đại...
Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu điểm đến với du khách gần xa |
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn TP Hà Nội năm 2024. Kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.
Đồng thời, thành phố huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển làng nghề, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: “Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh để tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, đặc biệt là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Các cấp, ngành của thành phố sẽ tiếp tục cùng đồng hành với doanh nghiệp và người dân để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại với giá trị cốt lõi là chính quyền phục vụ, doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin và người dân hạnh phúc”.
Cùng với Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2024, thành phố Hà Nội cũng đang trong quá trình hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2050 nhằm xác định các mục tiêu và đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững. Đây sẽ là "đòn bẩy" để các làng nghề chuyển mình, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế nông thôn.