A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Sau 6 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã mang lại nguồn lợi về kinh tế, thu nhập bền vững cho người nông dân tỉnh Thanh Hóa.

Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang hướng liên kết chuỗi giá trị. Người tiêu dùng cũng đã quen dần với các đặc sản vùng miền thông qua thương hiệu OCOP. Chương trình OCOP có vai trò quan trọng trong việc khơi dậy tiềm năng, tính sáng tạo của người dân. Làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con, từng bước xây dựng nền nông nghiệp trở thành “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, bên cạnh sự đa dạng, phong phú về sản phẩm, vẫn còn không ít trăn trở về chất lượng, giá trị kinh tế mang lại và đặc biệt là tính bền vững của sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa.

Giá trị nông sản được nâng cao

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Thanh Hóa, đến nay toàn tỉnh đã có 595 sản phẩm OCOP; trong đó có 23 sản phẩm xuất khẩu, tiêu thụ tại các thị trường khó tính. Không chỉ dừng lại ở những con số ấn tượng đó, Chương trình OCOP thực sự đã tạo “cú hích” tăng giá trị nông sản Việt, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Nhờ có Chương trình OCOP mà sản phẩm gạo Nếp Cay nọi của Hợp tác xã Nông lâm Chung Thành (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát) được nâng cao giá trị. Ảnh: Hà Khải.

Ghi nhận tại huyện Mường Lát, một trong những huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa, mới thấy rõ giá trị của Chương trình OCOP mang lại. Trước đây, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, quanh năm quần quật với nương ngô, gốc lúa nhưng vẫn không đủ ăn. Không đành lòng sống “mòn” cùng núi, một số người đã bất chấp đạo lý, pháp luật, thậm chí là cả tính mạng lao vào con đường làm giàu từ buôn bán ma túy và gieo rắc cái “chết trắng” cho bản...

Từ khi có Chương trình OCOP, của các sở, ban, ngành và chính quyền sở tại, phương thức sản xuất của người dân đã dần thay đổi. Chuyển từ lối sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Nâng cao giá trị nông sản, tạo thu nhập cho người dân, tạo điểm sáng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của bản vùng cao.

Bà Lương Thị Nồng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông lâm Chung Thành, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi quen với lối canh tác tự cung tự cấp, không buôn bán, giao thương. Những năm được mùa, lúa không ăn hết thì phơi khô, hong ở bếp để dành hoặc để nuôi gà, nuôi lợn. Từ khi triển khai Chương trình OCOP, với hướng dẫn nhiệt tình của các cấp chính quyền đã giúp người dân chúng tôi mở rộng vùng sản xuất, đưa lúa gạo trở thành hàng hóa để giao thương. Năm 2021, gạo nếp Cay nọi của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, giá trị của hạt gạo được nâng lên, đời sống của bà con cũng từng bước được cải thiện. Hiện nay, HTX đã quy hoạch được hơn 70 ha để trồng lúa Cay nọi, mỗi năm thu về hơn 250 tấn gạo với giá bán ra thị trường 35.000 đồng/kg”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những đổi thay từ khi thực hiện Chương trình OCOP, ông Vi Văn Hiện, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát phấn khởi: “Chương trình OCOP có tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân. Thay vì tra hạt ngô, hạt thóc bỏ mặc cho mẹ trời thì giờ đây họ đã bắt đầu quan tâm, có trách nhiệm hơn với những sản phẩm của mình. Sản phẩm làm ra không chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn trở thành hàng hóa. Đây được xem là mấu chốt trong công tác xóa đói, giảm nghèo”.

Không chỉ tạo nên “làn gió mới” ở các xã vùng cao. OCOP còn góp phần quan trọng trong quá trình thành vùng sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Từng bước khôi phục các làng nghề truyền thống trước nguy cơ bị mai một. Qua đó, tăng thu nhập cho người dân, đưa nông sản của tỉnh sánh ngang hàng với thực phẩm nhập khẩu về chất lượng.

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn
Nón lá - sản phẩm OCOP 3 sao của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thọ Lộc. Ảnh: HTX Thọ Lộc.

Phạm Ngọc Thơm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thọ Lộc, xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Quê hương vốn có nghề làm nón lá. Tuy nhiên, do giá trị sản phẩm làm ra thấp dẫn đến nhiều người đã bỏ nghề. Từ khi có Chương trình OCOP, nghề nón lá ở đây đã được khôi phục lại. Đặc biệt, khi nón lá được công nhận là sản phẩm OCOP, lượng hàng tiêu thụ nhiều hơn, giá trị cũng tăng lên. Hiện nay, mỗi một chiếc nón lá của HTX bán ra thị trường với giá 70.000 đồng/ chiếc”.

Mở hướng cho nông sản xuất ngoại

Sau 6 năm triển khai xây dựng sản phẩm OCOP, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 23 sản phẩm OCOP xuất khẩu. Trong đó, nhiều sản phẩm đã được các chủ thể ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với đối tác nước ngoài, như sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói của Công ty Việt Anh (huyện Nga Sơn) chuẩn OCOP 4 sao đã xuất khẩu trực tiếp và có chuỗi bán hàng tại 40 siêu thị ở Hoa Kỳ; sản phẩm từ tre luồng của Công ty Bamboo Vina (huyện Hà Trung) xuất sang EU và Bắc Mỹ; sản phẩm dứa và ngô ngọt đóng hộp của Công ty Trung Thành (Nông Cống) xuất đi Ba Lan, Nga, Hàn Quốc, Úc…

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn
Từ Chương trình OCOP đã góp phần chắp cánh cho nông sản Việt xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. Ảnh: Hà Khải.

Hay như sản phẩm yến sào xứ Thanh của Công ty Yến sào xứ Thanh. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, thị trường tiêu thụ của sản phẩm không chỉ phát triển trong nước, mà còn vươn ra một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa có sản phẩm mắm tôm Lê Gia và nước mắm Lê Gia chuẩn OCOP 5 sao cũng được ký kết hợp tác xuất khẩu tại những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Trước đó, sản phẩm này đã có mặt ở một số thị trường như Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, mắm tôm Lê Gia là sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, còn nước mắm Lê Gia hiện đang đề xuất, đánh giá phân hạng 5 sao trong năm 2024.

Để sản phẩm có thể tiêu thụ tại các thị trường khó tính nêu trên, chủ thể phải đáp ứng những quy định hết sức khắt khe. Đặc biệt, cần thay đổi về tập tục canh tác của bà con từ sản xuất nông nghiệp chuyển sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị. Ngoài ra cũng cần phải kể đến những đóng góp to lớn trong việc “đỡ đầu”. Đấy chính là cấp ủy, chính quyền các cấp, những người lãnh đạo gần dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng cũng như thế mạnh của địa phương. Từ đó, khơi gợi tính sáng tạo của người dân, thổi cháy lên ngọn lửa làm giàu trong họ.

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn
Mắm tôm Lê Gia từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao đã mở rộng thị trường tiêu thụ tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc…Ảnh: Hà Khải.

Ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP Sản xuất - chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, xã Nga An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Nhận thấy Chương trình OCOP là một lợi thế lớn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, công ty đã chủ động hoàn thiện hồ sơ cho các sản phẩm làm từ cói. Đến nay, bộ rổ cói 3 chiếc, bình hoa bằng cói, khay đựng rau, quả Việt Anh, đĩa đựng rau Salad Việt Anh, đĩa cói trang trí Việt Anh đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao; có chứng chỉ đạt chuẩn trách nhiệm xã hội (BSCI) và chứng chỉ an ninh do hải quan Mỹ đánh giá (CT-PAT). Ngoài ra, công ty cũng đang trình Bộ xem xét công nhận 2 sản phẩm OCOP 5 sao”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những nông sản Việt để được xuất ngoại, đa số các chủ thể đều đáp ứng đầy đủ những yêu cầu khắt khe về vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm. Ngoài ra, những mặt hàng khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP luôn được đối tác nước ngoài tin tưởng và lựa chọn hàng đầu.

Ông Phạm Văn Sinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chương trình OCOP được triển khai đã tạo bước tiến mới cho ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn. Đặc biệt, sau khi triển khai sản phẩm OCOP, nông dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại, tập trung phát triển vùng nguyên liệu, các sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn phát triển thành hàng hóa, thậm chí là mặt hàng xuất khẩu”.

Chương trình OCOP đã và đang tạo ra những dấu ấn tích cực trong việc nâng tầm giá trị nông sản của các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giúp nhiều sản phẩm bản địa vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để tiềm năng và lợi thế thực sự "song hành" và mang lại hiệu quả bền vững cho các sản phẩm OCOP, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Từ đó, sớm khắc phục những khó khăn như, thiếu kiến thức quản lý, khó khăn tiếp cận thị trường; hay sự thiếu đồng bộ trong chính sách không chỉ là bài toán khó mà còn là động lực để Thanh Hóa đổi mới cách làm, hoàn thiện quy trình và thúc đẩy OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Bài 2: Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật