Tìm giải pháp nâng cao giá trị nuôi trồng thủy sản
Ngày 9-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh mới. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Báo cáo của Cục Thủy sản cho thấy, 8 tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp đã rất vững vàng giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhất là xuất khẩu nông sản và lúa gạo.
Riêng lĩnh vực thủy sản, một trong ba trụ cột lớn của ngành lại gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,68 tỷ USD; giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do giá cả vật tư đầu vào phục vụ ngành thủy sản tăng, cước vận chuyển tiếp tục gây áp lực với hoạt động sản xuất thủy sản; lượng đơn hàng ở thị trường lớn như: Mỹ, EU… giảm mạnh, dẫn đến tồn kho cao.
Các đại biểu tham dự hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh mới. |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chỉ ra hạn chế và đưa ra một loạt chỉ đạo kiên quyết để ngành thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh mới. Đồng thời nhận định, nếu ngành thủy sản không duy trì được đà tăng trưởng, tăng tốc xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn ngành nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. |
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sở dĩ ngành thủy sản gặp khó là do chuỗi giá trị toàn ngành chưa mạnh mẽ trong đổi mới công nghệ, giá thành sản xuất ở mức cao. Bởi sức cạnh tranh nằm ở giá thành, buộc ngành thủy sản phải giảm giá thành sản xuất, nếu đi theo đường mòn, làm theo cách cũ trong bối cảnh mới, sẽ không nâng cao được sức cạnh tranh.
Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành thủy sản phải xây dựng một cơ cấu giá thành chuẩn cho ngành; phải xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể về giống, thức ăn, môi trường, thú y…áp dụng đối với từng phương thức nuôi. Ngoài ra các địa phương cần quan tâm, quán xuyến lại tất cả các đối tượng nuôi trên địa bàn.