Ấn Độ nỗ lực trở thành cường quốc bán dẫn toàn cầu
Bộ trưởng Bộ Đường sắt, Truyền thông, Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw mới đây cho biết, Ấn Độ muốn trở thành một trong 5 nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới trong 5 năm tới.
Phát biểu trên chương trình Street Signs Asia của CNBC, ông Vaishnaw khẳng định ngành công nghiệp bán dẫn là một thị trường rất phức tạp. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm tới, Ấn Độ tự tin sẽ nằm trong số 5 quốc gia bán dẫn hàng đầu thế giới.
Theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, tính đến tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đang đứng đầu ngành bán dẫn, nắm giữ khoảng 72% công suất sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, tiếp theo là Hàn Quốc (12%), Mỹ (6%) và Nhật Bản (2%). Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ-Trung khiến nhiều công ty tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này tạo ra cơ hội cho các quốc gia như Ấn Độ. Ông Vaishnaw cho biết, New Delhi là đối tác cung ứng đáng tin cậy cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử, điện tử công nghiệp và quốc phòng trên thế giới. Ông cũng đề cập tới xu hướng “friend-shoring” và cho rằng đối với Ấn Độ, “friend-shoring” có thể gọi là “trust-shoring” (friend-shoring là thuật ngữ chỉ chủ trương tái cơ cấu chuỗi cung ứng, chuyển hoạt động sản xuất về các nước thân thiện hơn, còn trust-shoring liên quan đến các nước đáng tin cậy).
Các công nhân làm việc tại nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh của Dixon Technologies tại Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: CNBC |
Vừa qua, tập đoàn sản xuất chip viễn thông hàng đầu thế giới Qualcomm (Mỹ) đã mở một trung tâm thiết kế mới ở Chennai, miền Nam Ấn Độ. Cơ sở này tập trung vào thiết kế công nghệ không dây và dự kiến sẽ tạo ra 1.600 việc làm cho Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng khẳng định, nước này đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi hướng tới tự chủ về công nghệ để bảo đảm Ấn Độ trở thành trung tâm toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn. Ấn Độ đã khánh thành 3 nhà máy sản xuất chất bán dẫn với tổng giá trị 15,2 tỷ USD. Một trong những nhà máy đó là liên doanh giữa Tata Electronics và Tập đoàn Sản xuất chất bán dẫn Powerchip của Đài Loan (Trung Quốc) với mục tiêu tạo ra con chip bán dẫn đầu tiên của Ấn Độ vào năm 2026.
Bộ trưởng Vaishnaw dự đoán lĩnh vực bán dẫn toàn cầu sẽ có quy mô khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 7 năm tới, nhờ vào tiềm năng lớn và sự tập trung của các quốc gia vào việc tăng cường năng lực sản xuất. “Với tốc độ tăng trưởng này, ngành bán dẫn sẽ cần thêm gần một triệu kỹ sư bán dẫn. Nguồn nhân lực này ở đâu? Quốc gia nào có thể đáp ứng được nhu cầu này? Đó là Ấn Độ”, Bộ trưởng Vaishnaw khẳng định. Theo ông, đây là thời điểm thích hợp để Ấn Độ tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn và quốc gia Nam Á đã nhanh chóng giành được niềm tin của các đối tác trên toàn cầu trong lĩnh vực này./.