Bảo vệ và phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của quốc gia-dân tộc.
Đồng chí NGUYỄN THỊ TƯỜNG LOAN, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc):
Quan tâm, gắn bó với nhân dân
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho thấy, một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, tổ chức chặt chẽ, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ sẽ có sức mạnh vô địch, không thế lực nào có thể ngăn cản trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên. Từ bài học đó, quá trình xây dựng và phát triển thành phố, các cấp ủy đảng, chính quyền TP Buôn Ma Thuột luôn quan tâm nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống của nhân dân.
Trong những năm qua, nhất là từ năm 2016 đến nay, TP Buôn Ma Thuột đã huy động nguồn lực lớn xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư và nâng cao đời sống của người dân. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 của thành phố đạt gần 65.000 tỷ đồng, tăng 106% so với giai đoạn 2010-2015, trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 13%, vốn ngoài ngân sách chiếm 87%. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ TP Buôn Ma Thuột vận động xây dựng “Quỹ đảng viên tiết kiệm”, đến tháng 3-2021, quỹ thu được gần 6 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho 503 đối tượng khó khăn với số tiền 3,97 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể của thành phố còn có nhiều việc làm phù hợp, thiết thực chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, nhất là các trường hợp khó khăn vươn lên ổn định đời sống, xây dựng thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
---------
Đồng chí NGÔ HOÀI NAM, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng (Nam Định):
Vận dụng bài học phát huy sức dân
Vận dụng bài học từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Nghĩa Hưng luôn nêu cao, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, dù còn những khó khăn nhưng việc xây dựng nông thôn mới ở huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Như tại xã Nghĩa Châu, đến nay, tư duy của người nông dân đã cơ bản thay đổi từ sản xuất nhỏ lẻ truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn và từng bước tiến tới phát triển nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện xã đã chuyển đổi thành công hơn 30ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản bền vững; xây dựng một cánh đồng lớn 26ha sản xuất lúa chất lượng cao... góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2021 lên 60,5 triệu đồng... Tính đến hết năm 2021, toàn huyện đã huy động được hơn 91 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Qua đó, diện mạo nông thôn được đổi mới mạnh mẽ; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được nâng cấp, đầu tư đồng bộ theo quy hoạch; môi trường ngày càng “sáng-xanh-sạch-đẹp”. Đồng thời, kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Nhiều khu đô thị được xây dựng trên địa bàn xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên), góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Ảnh: TUẤN HUY |
---------
Anh ĐẶNG THÀNH HUY, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên:
Nêu cao trách nhiệm của tuổi trẻ
Các thế lực thù địch, phản động vẫn luôn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta. Trong đó, thế hệ trẻ vừa là mục tiêu, vừa là công cụ mà chúng triệt để khai thác, lợi dụng nhằm làm cho thanh niên Việt Nam mất phương hướng, phai nhạt lý tưởng... Là địa phương có nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số, nhận thức, trình độ không đồng đều, dễ bị lôi kéo, kích động, Tỉnh đoàn Điện Biên xác định phải tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đi đôi với giúp đỡ thanh niên phát triển kinh tế. Từ đó, lấy thanh niên xung kích trong tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch ở địa phương.
Năm 2021, lực lượng thanh niên toàn tỉnh đã tuyên truyền quần chúng nhân dân không tin, không nghe theo kẻ xấu được 1.056 buổi/50.924 lượt người nghe; tuyên truyền, vận động 126 hộ/841 nhân khẩu không di cư tự do, ổn định cuộc sống... Cùng với đó, nhiều thanh niên được hỗ trợ vay vốn sản xuất, tư vấn hướng nghiệp và thực hiện các dự án khởi nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, đẩy lùi tệ nạn xã hội.
----------
PGS, TS VŨ THANH CA, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam):
Khai thác tốt thế mạnh từ biển
Ngày 15-3-1961, trong lần thứ hai thăm Bộ đội Hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, phải biết giữ lấy nó”. Đây không chỉ là tình cảm của Bác Hồ đối với Bộ đội Hải quân mà còn là định hướng chiến lược, sự khái quát về tiềm năng của biển nước ta.
Nước ta có 28 tỉnh, thành phố ven biển, 18 khu kinh tế biển trải dài từ Bắc vào Nam. Để phát triển kinh tế biển đòi hỏi cần ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm giúp các địa phương ven biển dựa vào đó để xác lập quy hoạch không gian biển của từng địa bàn, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển sản xuất. Từ những quy hoạch này, cần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng ven biển, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với tự nhiên, thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển... Giải pháp đột phá trong khai thác tài nguyên từ không gian biển là đầu tư thực hiện các dự án thí điểm để tiếp cận tất cả nguồn năng lượng tái tạo biển, bao gồm năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng chảy, nhiệt và năng lượng mặt trời, nhằm phát huy tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo biển của Việt Nam.
----------
Trung tá LỤC SƠN THỦY, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tổng Cọt (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng):
Niềm tin vào Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường
Đồn Biên phòng Tổng Cọt quản lý 14,5km đường biên giới, trên địa bàn hai xã Nội Thôn và Tổng Cọt của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây được gọi là “vùng đất khát” vì quanh năm thiếu nước, bốn bề là núi đá. Bên cạnh đó, người dân địa phương sinh sống phân tán, có nơi cách vài quả đồi mới có một ngôi nhà. Cũng vì thế mà một số công trình hạ tầng do Nhà nước đầu tư như: Đường giao thông, trạm y tế, trường học... chưa phát huy hết hiệu quả giúp đồng bào thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nắm chắc đặc điểm, thực trạng đó, chúng tôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng trên địa bàn trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, giúp dân xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều biện pháp, mô hình cụ thể, hiệu quả như: "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Giúp dân di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn", "Cùng em vượt khó"... Hiện nay, phần lớn bà con nơi đây đã có ý thức vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống, niềm tin vào Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường.
-----------
Chị NGUYỄN THỊ KIM TUYỀN, Bí thư Huyện đoàn Châu Thành (Tiền Giang):
Rất cần hiểu rõ lịch sử
Thế hệ trẻ là người viết tiếp những trang sử vàng của dân tộc, vì thế, rất cần hiểu rõ lịch sử, nhận thức sâu sắc về truyền thống dân tộc, sự hy sinh, mất mát của đồng bào, đồng chí trong đấu tranh cách mạng, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ. Chung tay với các nhà trường, Huyện đoàn Châu Thành luôn có nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với sự kiện lịch sử diễn ra hằng tháng. Trong tháng 8 này, chúng tôi tổ chức các hoạt động như: Viết bài tìm hiểu, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tổ chức sân chơi “Rung chuông vàng” tìm hiểu ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám... Từ đó khơi dậy trong thanh niên lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.