A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Thông tin và Truyền thông sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023

Ngày 30-6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Lĩnh vực bưu chính, viễn thông tiếp tục tăng trưởng

Trình bày khái quát hoạt động của ngành thông tin - truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác của bộ theo quy chế làm việc của ban cán sự đảng, thực hiện hiệu quả phương châm, hành động của bộ: Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá. Công tác báo chí, truyền thông phản ánh trung thực xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khái quát hoạt động 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: ĐỨC HUY

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn ngành thông tin - truyền thông đạt hơn 1.600.000 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 45.000 tỷ đồng. Đóng góp vào GDP của ngành thông tin - truyền thông ước đạt gần 390.000 tỷ đồng. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6-2023 đạt khoảng 1.512.144 lao động, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo từ hội nghị cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, nhiều lĩnh vực thuộc ngành thông tin và truyền thông đã có những kết quả hoạt động tích cực. Lĩnh vực bưu chính tiếp tục là điểm sáng với doanh thu dịch vụ ước đạt 27.477 tỷ đồng, tăng 5,48% so với cùng kỳ năm 2022. Nộp ngân sách lĩnh vực bưu chính đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ĐỨC HUY 

Đối với lĩnh vực viễn thông, doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 74.473 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 53% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ người sử dụng internet đạt 78,59%, đã vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023 (kế hoạch năm 2023 là 76%).

Lĩnh vực an toàn thông tin cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.362 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; chỉ đạo, điều phối ngăn chặn 1.530 website vi phạm pháp luật.

Tăng cường ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin độc hại

Công tác đấu tranh với thông tin độc hại trên các nền tảng xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả nổi bật. Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, cơ quan chức năng đã sử dụng nhiều biện pháp đấu tranh để duy trì ở mức cao tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội (trên 90%), trong đó có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để rà quét, loại bỏ những thông tin, hình ảnh có nội dung vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, đặc biệt là vi phạm quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và đại biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: ĐỨC HUY 

Xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thuộc ngành thông tin - truyền thông. Trong đó, sẽ tiếp tục rà quét, ngăn chặn kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội; chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh công tác quản lý thông tin thuê bao, xử lý nghiêm các vi phạm của nhà mạng; khắc phục triệt để tình trạng sim không chính chủ, sim chưa chuẩn hóa thông tin. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh thị trường bưu chính.

Công cụ dành cho báo chí không chỉ là cây bút, trang giấy, mà còn là công nghệ

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, yêu cầu lĩnh vực bưu chính không chỉ dừng lại ở chuyển phát, mà phải tạo ra thương mại điện tử, mua bán trực tuyến; xây dựng hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng công nghệ và một số nền tảng có tính hạ tầng; gắn việc bảo đảm an toàn số mức cơ bản để bảo vệ người sử dụng dịch vụ viễn thông phải là một trong các trách nhiệm căn bản của nhà mạng; tiếp tục phát triển công nghiệp công nghệ số, làm chủ và phát triển công nghệ lõi.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐỨC HUY 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, bởi vậy chính quyền các cấp phải tổ chức bộ máy, có ngân sách hàng năm cho công tác truyền thông. Đối với báo chí hiện nay, công cụ không chỉ là cây bút và trang giấy mà còn là công nghệ. Báo chí cách mạng cần được đầu tư công nghệ, mỗi cơ quan báo chí phải trở thành một nền tảng số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu thời gian tới cần ứng dụng công nghệ số để tạo ra nhiều tri thức hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng đơn giá cho các lĩnh vực mà Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý theo hướng sát với thị trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết