A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các nước thúc đẩy năng lực hàng không vũ trụ

Thời gian gần đây, thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không vũ trụ. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đang chú trọng nâng cao năng lực trong lĩnh vực này.

Theo hãng thông tấn ANSA (Italy), ngày 3-3, Bộ trưởng Công nghiệp Italy Adolfo Urso và Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố hai bên nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong các hoạt động thăm dò không gian vũ trụ và phát triển hệ thống tên lửa đẩy thế hệ mới của châu Âu.

“Chúng tôi làm việc cùng nhau với nhận thức chung rằng đây là nhiệm vụ của tương lai và là thách thức đối với châu Âu”, ANSA dẫn lời Bộ trưởng Adolfo Urso, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác của hai nước với Đức trong vấn đề này.

 Phần chóp của tên lửa đẩy Ariane 6. Ảnh: Arianespace

Được biết, hợp tác trong lĩnh vực không gian giữa Italy, Pháp và Đức là tiến tới khai thác thành công tên lửa đẩy Ariane 6 và sớm nối lại việc vận hành tên lửa đẩy Vega-C sau lần phóng thất bại mới đây. Hai hệ thống này đều do Công ty Arianespace SA của Pháp chế tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của các nước châu Âu thực hiện các chuyến bay có người lái lên vũ trụ.

Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đang nỗ lực tìm cách đưa các sứ mệnh của châu Âu vào vũ trụ sau khi Nga rút tên lửa đẩy Soyuz để đáp trả các biện pháp trừng phạt của “lục địa già” liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.

Mặc dù ESA buộc phải đàm phán về kế hoạch sử dụng tên lửa của Tập đoàn SpaceX (Mỹ) nhằm thay thế Soyuz, song giải pháp này cũng chỉ mang tính tạm thời. Năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire từng kêu gọi châu Âu đoàn kết với một chính sách không gian vũ trụ duy nhất. Do đó, việc thúc đẩy phát triển các dự án như Ariane 6 và Vega-C được xem là ưu tiên trong chương trình nghị sự, qua đó cho phép châu Âu giữ vai trò độc lập trong cuộc đua hàng không vũ trụ.

Trước đó, Yonhap đưa tin, Hàn Quốc chính thức công bố dự luật thành lập Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia (KSAA) cũng như đưa ra một cơ chế đặc biệt trao cho tổ chức công này với mức độ tự chủ và linh hoạt chưa từng có. KSAA đảm nhiệm vai trò quản lý chung về chính sách, nghiên cứu phát triển, nuôi dưỡng nền công nghiệp trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ thành lập quỹ hỗ trợ hàng không và vũ trụ để liên tục thực hiện các khoản đầu tư dài hạn.

Chính quyền Seoul kỳ vọng lấy KSAA làm cơ quan trọng tâm với nhiệm vụ mở ra thời đại vũ trụ mới cho Hàn Quốc và tạo các bước ngoặt lớn tiến tới mục tiêu đưa xứ kim chi lọt vào danh sách những cường quốc hàng đầu thế giới về ngành hàng không vũ trụ vào năm 2045. Cuối năm ngoái, tàu vũ trụ không người lái Danuri do nước này phát triển đã thành công đi vào quỹ đạo mặt trăng, qua đó trở thành quốc gia thứ 7 có tàu vũ trụ tiến vào quỹ đạo vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất.

Các chính phủ và các tập đoàn trên thế giới đã và đang chú trọng đầu tư vào tên lửa đẩy, vệ tinh và các mặt khác liên quan đến lĩnh vực hàng không vũ trụ. Ngoài những cơ quan vũ trụ của các nước tiên tiến, về phía tư nhân có thể điểm vài “gương mặt” nổi tiếng nỗ lực khẳng định vai trò của mình như SpaceX, Blue Origin, Orbital ATK, ViaSat... CNBC trích báo cáo của Citigroup ước tính giá trị ngành công nghiệp hàng không vũ trụ toàn cầu sẽ lên đến khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2040.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết