A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Sáng 22/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Trình bày tờ trình về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế.

Việc sửa đổi, bổ sung để điều tiết tiêu dùng phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, bảo vệ môi trường; đồng thời đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn phát sinh, tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế, khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; phù hợp với xu hướng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật gồm 4 chương, 12 điều, bám sát theo 7 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, đồng thời, dự thảo luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định trong thời gian dài tại các văn bản dưới luật.

Trong đó, về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đã sửa đổi, quy định các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế để đồng bộ với pháp luật chuyên ngành; sửa đổi, quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
Phó Thủ tướng Lê Thành Long

Về đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, sửa đổi quy định hàng hóa do tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, thuê gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài hoặc bán, ủy thác cho tổ chức, cá nhân kinh doanh khác để xuất khẩu ra nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế để đảm bảo minh bạch chính sách.

Đồng thời, sửa đổi quy định hàng hóa nhập khẩu không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để xử lý những bất cập phát sinh trong thực tế và đồng bộ với pháp luật chuyên ngành...

Về người nộp thuế, sửa đổi, bổ sung quy định về người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế để bao quát các trường hợp.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy định tại luật về “cơ sở” sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất kinh doanh thành “tổ chức, cá nhân” sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất kinh doanh để thống nhất, đồng bộ về khái niệm.

Về căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ tính thuế để bao quát trường hợp bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng thuế hỗn hợp; bổ sung 1 điều quy định về thời điểm xác định thuế tiêu thụ đặc biệt để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật...

Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về sửa đổi, bổ sung liên quan đến danh mục hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế đối với sửa đổi liên quan đến điều hòa nhiệt độ, đa số ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo luật.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ vì hiện nay, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ đã trở nên phổ biến, không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây.

Do đó, trong trường hợp vẫn tiếp tục thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ thì chỉ thu đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa chất HCFC để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hoặc phân loại theo công suất thiết kế và không thu thuế đối với loại điều hòa có công suất thiết kế được sử dụng phổ biến, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân.

Về bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung sản phẩm này vào diện chịu thuế, đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo tiêu chuẩn Việt Nam” vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn về khả năng đạt được mục tiêu của chính sách này trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe người dân; bổ sung các thông tin liên quan đến kinh nghiệm quốc tế; đánh giá kỹ tác động trên khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về rà soát, bổ sung các đối tượng khác vào diện chịu thuế, đa số ý kiến cho rằng, ngoài việc bổ sung “nước giải khát có đường” vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, các nội dung sửa đổi khác liên quan đến đối tượng chịu thuế về cơ bản là để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Việc hướng tới mục đích “mở rộng cơ sở thu”, “phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế” chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Để bao quát đầy đủ, toàn diện các đối tượng thuộc diện chịu thuế, phù hợp với mục tiêu của chiến lược cải cách thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, xu hướng cải cách thuế của quốc tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất bổ sung, mở rộng hơn nữa các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe Nhân dân và bảo vệ môi trường.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật