A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Quốc hội: Bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử?

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, sáng 11-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia

Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005; cho rằng đây là yêu cầu cấp thiết và phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, việc sửa đổi này còn kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về một số chính sách chủ động phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Doãn Tấn

Bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử?

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử song đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số nội dung.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, dự thảo luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, điều này là cần thiết khi hiện nay công nghệ số đã tương đối phổ biến, nền tảng số đã trở thành môi trường không thể thiếu của giao dịch điện tử.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh hướng tới 2 mục tiêu là: Tạo điều kiện tốt hơn trong ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Với 2 mục tiêu trên, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, vấn đề đặt ra là liệu các điều kiện bảo đảm sẽ như thế nào và có bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử hay không? Đại biểu bày tỏ băn khoăn sẽ thực hiện giao dịch điện tử như thế nào với nhóm dịch vụ công trực tuyến chưa triển khai được ở mức 3, mức 4.

Ngoài ra, một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật kinh doanh… có cơ lộ lọt hoặc bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử. “Vậy thì có hợp lý không khi đưa hết tất cả vào phạm vi điều chỉnh và nếu đưa vào thì cần phải kèm theo những điều kiện nào”, đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử? Ảnh: Doãn Tấn

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thực tiễn của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế; từ đó cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.

Quan tâm đến bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng

Ở góc độ liên quan, đồng thuận với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, song đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quan tâm đến vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng.

Theo đại biểu Trần Chí Cường, chúng ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng... Tuy nhiên, các quy định chưa hoàn toàn cụ thể và xác thực với hoạt động giao dịch điện tử.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định vào Điều 8 về các hành vi bị cấm. Đó là nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử”, đại biểu nêu quan điểm.

 Đại biểu Trần Chí Cường: Quan tâm đến vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Ảnh: Doãn Tấn

Cũng quan tâm đến an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, luật hiện hành có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp, dữ liệu song lại chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong giao dịch điện tử nói chung. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, dẫn chiếu Điều 53 của dự thảo luật đến Luật Công nghệ thông tin để thực hiện một cách thống nhất.

Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số

Giải trình, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bộ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc căn bản của môi trường số thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Ảnh: Doãn Tấn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm, Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”. Luật sửa đổi phải bảo đảm có độ phủ rộng và bảo đảm chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch; đồng thời, phải bảo đảm tính khả thi khi áp dụng tính đồng bộ với các luật khác cũng như tính thống nhất, xuyên suốt trong luật này...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết