A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dạy học linh hoạt

Những ngày gần đây, trước tình hình diễn biến của dịch Covid-19, việc dạy và học tại các địa phương trở thành vấn đề trăn trở của đội ngũ thầy, cô giáo cũng như của cha mẹ học sinh.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các địa phương và các trường đã nỗ lực cao độ, quyết tâm đưa học sinh tới lớp trong điều kiện bình thường mới. Thầy, cô lại được đứng trên bục giảng, được giao lưu, gặp gỡ học sinh và đồng nghiệp; học sinh được tung tăng tới trường, được gặp thầy cô, bạn bè và vui chơi là điều rất đáng mừng.

Tuy nhiên, những ca nhiễm Covid-19 liên tục gia tăng ở cả thầy và trò lẫn gia đình học sinh những ngày qua đã làm gián đoạn, thay đổi kế hoạch học tập của các trường. Không ai muốn điều này xảy ra, nhưng thực tế khiến mọi cấp, ngành, nhất là ngành giáo dục phải nghĩ cách thích nghi. 

  Học sinh tiểu học ngày đầu trở lại trường/ Ảnh minh họa/qdnd.vn 

Nửa tháng nay, Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác của nước ta số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng cao. Nhiều lớp học trực tiếp mới được tổ chức có ít ngày đã phải chuyển sang học trực tuyến, hoặc bán trực tuyến. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý của đội ngũ giáo viên, học sinh cũng như chất lượng dạy và học.

Có giáo viên vừa phải dạy trực tiếp, vừa phải chuẩn bị tài liệu, giáo án để tham gia dạy trực tuyến, cá biệt một số giáo viên là F0 cũng phải gắng gượng dạy trực tuyến cho học sinh vì không có người thay thế. Còn các em học sinh khi phát hiện là F0, F1 đang học trực tiếp thì phải chuyển sang học trực tuyến...

Trước tình hình các ca nhiễm Covid-19 chưa giảm, đòi hỏi các nhà trường phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, có phương án linh hoạt, phù hợp trong phòng, chống dịch, không để gián đoạn quá trình dạy và học. Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo một số địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương... đã giao quyền chủ động cho các phòng giáo dục, trường học tự quyết định hình thức dạy học cho thích hợp với điều kiện thực tế, miễn sao bảo đảm đúng kế hoạch và chất lượng giáo dục.

Trên cơ sở này, các trường cần tổ chức ít nhất một lớp học trực tuyến/môn học/khối lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của những học sinh là F0, F1 và những học sinh không thể đến trường vì lý do khác.

Việc dạy học linh hoạt đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phải nâng cao kỹ năng quản lý, giảng dạy, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin và chấp nhận vất vả hơn khi liên tục phải thay đổi hình thức dạy học cho phù hợp. Nhà trường cũng phải kết hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để theo dõi sức khỏe của các em, kịp thời phát hiện các F0, F1 để quyết định hình thức học trực tiếp hay trực tuyến. Nhà trường cần có kế hoạch bồi dưỡng thêm cho học sinh F0 phải điều trị tại cơ sở y tế để các em theo kịp chương trình.

Chúng ta cũng mong Nhà nước, các địa phương ban hành chính sách kịp thời để cổ vũ, động viên, hỗ trợ cơ sở vật chất cho đội ngũ giáo viên khi họ phải kiêm nhiệm cả dạy trực tiếp và dạy trực tuyến. Có như vậy, trường học mới linh hoạt, sáng tạo trong dạy học, học sinh luôn được chăm sóc đầy đủ, chất lượng giáo dục mới có thể được bảo đảm trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh.


Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết