A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới, sáng tạo thu hút đầu tư nước ngoài vào TP Hồ Chí Minh

Tận dụng, phát huy tối đa lợi thế, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh đang ưu tiên triển khai các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với sự chủ động đổi mới, sáng tạo. Cùng với định hướng đúng, đồng hành với doanh nghiệp, thành phố tập trung đầu tư hạ tầng, dịch vụ, ưu tiên lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu...

Hiệu quả từ chuyển dịch đúng hướng

Sự đột phá về thu hút FDI của TP Hồ Chí Minh gắn liền với định hướng, khơi thông nguồn lực, tận dụng cơ hội trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước đây, TP Hồ Chí Minh chú trọng thu hút FDI vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán lẻ, công nghiệp dệt may, da giày... Hiện nay, thành phố đã chuyển dịch sang các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo... Theo đồng chí Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC), phát huy lợi thế, tiềm năng về nhân lực, trình độ chuyên môn, ứng dụng công nghệ, dịch vụ, hạ tầng kết nối, đô thị đa văn hóa... và sự chủ động, đột phá trong thu hút FDI đã giúp TP Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút FDI trong cả nước.

 Học viên Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh vận hành hệ thống tự động hóa, hoàn thiện kỹ năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp FDI. (ảnh: Vũ Lực)
Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh xây dựng hiện đại đáp ứng yêu cầu đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. 

Sự tăng trưởng dòng vốn FDI của TP Hồ Chí Minh thể hiện kết quả đột phá trong những năm gần đây. Đặc biệt, khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98) có hiệu lực từ 1-8-2023 đã tạo nhiều chuyển biến về thu hút dòng vốn FDI. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư đã tìm hiểu môi trường đầu tư, lĩnh vực ưu tiên, dự án mời gọi đầu tư của TP Hồ Chí Minh. Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, 8 tháng năm 2023, dòng vốn FDI đạt 390 triệu USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2022. Thành phố cũng ghi nhận 762 dự án FDI mới trong khoảng thời gian này, tăng 59,1% so với 479 dự án của cùng kỳ năm 2022. Đến nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 12.000 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 82 tỷ USD, dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước.

Tập đoàn Intel là một trong những điển hình dự án FDI thành công nhất tại TP Hồ Chí Minh khi chỉ sau 13 năm đầu tư đã hoàn thành giai đoạn 1, quy mô sản xuất hiện tại chiếm trên 50% sản lượng toàn cầu về lắp ráp, kiểm định của Intel. Mới đây, Tập đoàn Intel đã công bố tiếp tục triển khai đầu tư giai đoạn 2 tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh với nguồn vốn đầu tư thêm trị giá 475 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư tại đây lên gần 1,5 tỷ USD.

Lý giải cho sự thành công trong thu hút FDI của TP Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Đinh Tiên Hoàng, chuyên gia kinh tế, marketing, Trường Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Yếu tố quyết định thành công trong thu hút FDI của thành phố là tính chủ động, đi trước một bước, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI. Thành phố chủ động xây dựng các cơ sở công nghiệp, công nghệ cao như: Khu kỹ nghệ Việt-Nhật, Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung... với thiết kế hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chính sách thu hút, ưu tiên doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ cao. Điều đó giúp TP Hồ Chí Minh có nhiều kinh nghiệm, khả năng “lót ổ cho đại bàng”, chủ động, đón đầu các cơ hội trước xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, phát huy tối đa các chủ trương, chính sách mở cửa hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam đối với khu vực và thế giới...

Khơi thông nguồn lực, chủ động nắm bắt cơ hội

TP Hồ Chí Minh với định hướng thu hút đầu tư FDI ưu tiên công nghệ cao, nền tảng số, công nghệ số; phát triển, ứng dụng công nghệ để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, năng lượng mới, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và môi trường... Định hướng trên cùng với hàng loạt nghị quyết mới, đặc biệt là Nghị quyết 98 đã tạo nên nhiều cơ hội mới bứt phá, dự báo làn sóng đầu tư FDI mới vào TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Intel, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, khi Nghị quyết 98 được triển khai, nhiều nút thắt về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp đã được tháo gỡ. Đó là những kiến nghị thủ tục liên quan đến hoạt động xây dựng, phòng cháy chữa cháy, tái đầu tư hạ tầng đường, điện, y tế... Đối với các vướng mắc của Tập đoàn Intel, TP Hồ Chí Minh đã lập riêng một tổ công tác để tập trung giải quyết, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

 Nhà khoa học làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học R&D thuộc Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.
 Các nhà khoa học làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học R&D thuộc Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình chuyển dịch, thúc đẩy thu hút đầu tư FDI ở TP Hồ Chí Minh là vẫn còn các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tính kết nối hạ tầng, dịch vụ logistics, công nghiệp phụ trợ đang trong quá trình hoàn thiện, chưa đồng bộ... Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nghị quyết 98 mở ra nhiều cơ hội để TP Hồ Chí Minh thu hút FDI. Vì thế, thành phố cần khai thác tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù này bằng những mục tiêu, giải pháp, kế hoạch cụ thể; giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình đầu tư; thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực mới như: Công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị... đạt quy chuẩn quốc tế, tăng sức cạnh tranh trong thu hút FDI.

Nhằm tăng cường sự linh hoạt, chủ động và giữ vững thu hút FDI trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp: Đẩy mạnh hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, dịch vụ logistics, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục đầu tư, hợp nhất các cơ quan chức năng xúc tiến thương mại và đầu tư về một đầu mối, nâng cấp bộ phận “một cửa” chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mới; lập các tổ công tác xử lý vướng mắc cho nhà đầu tư, xúc tiến đầu tư quốc tế, minh bạch các dự án mời gọi đầu tư...

Đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh việc áp dụng tối đa cơ chế, chính sách mới về thu hút FDI, UBND thành phố sẽ chú trọng, mở rộng, thiết lập kênh thông tin chia sẻ, minh bạch về các dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp FDI. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm, ưu tiên và lắng nghe, tiếp thu với những vướng mắc doanh nghiệp gặp phải để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết