A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công

Đây là chủ đề được báo Người Lao động đưa ra cho các chuyên gia phân tích, bàn luận tại phiên thứ 3 Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 diễn ra vào sáng nay 15/8.

Toàn cảnh diễn đàn sáng 15-8

Toàn cảnh diễn đàn sáng 15/8

Vấn đề “nóng” trong phát triển xã hội

Phát biểu tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết, đầu tư, giải ngân đầu tư công tốt sẽ kích tổng tăng trưởng quốc gia theo cấp số nhân, đưa dòng tiền sớm vào thị trường thì tính lan tỏa càng sớm, đem lại hiệu quả càng cao.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trần Du Lịch, thực tế cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 29,39% yêu cầu đặt ra. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ vốn là nơi có nền kinh tế năng động bậc nhất cũng gặp không ít khó khăn trong việc giải ngân đầu tư công, tỉ lệ thực hiện còn thấp.

Giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Trần Du Lịch

“Câu hỏi đặt ra là tại sao TP Hồ Chí Minh và các địa phương luôn quan tâm đến giải ngân vốn đầu tư công, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhưng động lực này vẫn ì ạch?”, Tiến sĩ Trần Du Lịch đặt câu hỏi.

Tại diễn đàn lần này, vị chuyên gia kinh tế mong muốn báo Người Lao động và các chuyên gia sẽ cùng phân tích từng lĩnh vực, từng ngành, những giải pháp mang tính thủ tục về tài chính, quy trình chuẩn bị, vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng… để gợi mở các giải pháp, đề xuất, góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công, đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng đề ra.

“Báo Người Lao động mở diễn đàn kinh tế là một chủ trương rất đúng, bám sát chủ đề nóng của đất nước, đúng trọng tâm của Chính phủ từ giai đoạn hậu COVID-19 đến nay”, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Tích cực giải phóng mặt bằng

Thông tin tại phiên diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, năm 2024, TP Hồ Chí Minh được giao khoảng 79.000 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công từ Chính phủ và thành phố đã nỗ lực để triển khai nguồn vốn này ngay từ những tháng đầu năm.

“Thành phố đã phân khai số vốn lớn đến các đơn vị, các quận, huyện, TP Thủ Đức, các ban, sở, ngành và các chủ đầu tư dự án trên địa bàn với mong muốn làm sao tập trung làm tốt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 để góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh, đặc biệt trong triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI”, đồng chí Nguyễn Văn Dũng nói.

Nhìn nhận thực tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận thấy quá trình triển khai dự án đầu tư công trên địa bàn trong nửa đầu năm vẫn tồn đọng nhiều khó khăn. Đến nay thành phố mới chỉ giải ngân được 12.392 tỷ đồng, đạt 15,6% tổng vốn được giao.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, thành phố đề ra mục tiêu đến cuối năm phải giải ngân được 95% số vốn được giao bằng cách giải ngân theo từng mốc thời gian, từng quý, từng kỳ.

Trong đó, thành phố sẽ đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền cho quận, huyện, TP Thủ Đức, các chủ đầu tư, các dự án, các Ban, Sở, ngành để quyết định chủ chương đầu tư; đồng thời tích cực tham mưu, nhận chỉ đạo từ cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các dự án lớn.

Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho các dự án triển khai thuận lợi; cùng với đó sẽ đẩy mạnh giải quyết kiến nghị của các đơn vị để từng bước tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai các dự án đầu tư công.

Quyết liệt điều chỉnh quy hoạch đồng bộ

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, hiện tại, hầu hết địa phương đều chưa đạt chỉ tiêu về giải ngân đầu tư công, nhất là TP Hồ Chí Minh chỉ 15% là quá thấp so với mặt bằng chung khoảng 30%.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, ngoài những vấn đề ngắn hạn như: Tập trung vào các khía cạnh như thủ tục, cơ chế tháo gỡ, điều phối chung; giải phóng mặt bằng; liên quan đến mỏ vật liệu cơ bản như đất, cát, sỏi và tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn vốn kết hợp, ODA… cũng cần có điều chỉnh kịp thời các quy hoạch.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐHQG Hà Nội

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội nói về vấn đề quy hoạch trong giải ngân đầu tư công

Lấy ví dụ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chia sẻ, vấn đề của cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng hiện nay một địa phương giải phóng xong mặt bằng còn một bên lại chưa xong, lẽ ra đã phải đồng bộ những việc này từ sớm nhưng thực tế giữa các địa phương lại chưa chú trọng.

“Việc quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất giao thông lại chậm hơn so với tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng, Do đó, về ngắn hạn, cần giải quyết khâu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để giải phóng mặt bằng, giao đất…”, tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Về dài hạn, theo vị này, công tác quy hoạch nói chung, trong đó có quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch về giao thông cũng phải cải tiến, để khi quy hoạch đất sử dụng dự án cho giao thông phải đồng bộ, đi trước.

Thử nghĩ khác, làm khác

Để giải quyết những khó khăn trong thực hiện giải ngân đầu tư công, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) Nguyễn Ngọc Hòa: “Chúng ta luôn theo cách tiếp cận truyền thống là đầu tư công phải do Nhà nước làm và các dự án đầu tư công hiện tại đang thừa tiền nhưng nghẽn thủ tục, nghẽn cơ chế, quy trình, trình tự, đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ nhiều bộ phận, nhiều cơ quan…

Liệu chúng ta có thể mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận khác được không? Vẫn là dự án đầu tư công nhưng để giải quyết những nghẽn trên thì chúng ta hãy xã hội hóa, để cho xã hội làm và sau đó Nhà nước sẽ mua lại dự án đó”.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà lấy ví dụ, khi làm một con đường, nếu để cơ quan Nhà nước đứng ra để chi tiền, rút tiền từ kho bạc, thực hiện các thủ tục đầu tư… thường tốn rất nhiều thời gian, thay vào đó hãy để cho xã hội làm trong thời gian quy định, sau khi nghiệm thu đạt chuẩn thì Nhà nước dùng chính ngân sách đầu tư công để mua lại dự án đó.

Giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) gợi ý cách làm mới

Chia sẻ trước đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, các hiệp hội cũng rất nôn nóng và sốt ruột vì chỉ có giải ngân nhanh cho các dự án đầu tư công thì doanh nghiệp mới có việc làm.

Doanh nghiệp sẵn sàng bảo đảm bằng nguồn vốn chủ sở hữu của mình, bên cạnh đó họ cũng cần có sự hỗ trợ của các ngân hàng thông qua tài trợ vốn lưu động không bảo lãnh, không thế chấp tài sản mà thế chấp bằng quyền thu hồi tiền thi công...

Theo ông Hoà, những điểm nghẽn hiện nay đang vướng đó là cơ chế quy hoạch, phê duyệt, đấu thầu và cách thức vận hành, phối hợp không đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng và chủ đầu tư.

Nghị quyết 98 hiện vẫn chưa tháo gỡ mạnh mẽ, cần phân cấp phân quyền rõ ràng để TP Hồ Chí Minh bật lên để giải quyết vấn đề này hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có sự khẩn trương quyết liệt hơn, mạnh dạn vận dụng Nghị quyết 98.

Để đầu tư công không còn là vấn đề nan giải

Phát biểu tổng kết, tiến sĩ - nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao động chia sẻ, diễn đàn được báo Người Lao động tổ chức với mục tiêu đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Các đề xuất, kiến nghị có trao qua đổi lại, có thể khác biệt nhưng với tinh thần, trách nhiệm hết lòng vì nền kinh tế TP Hồ Chí Minh và cả nước.

“Mới tổ chức 2 phiên nhưng vào dịp 21/6, chương trình Diễn đàn Kinh tế Việt Nam của báo đã vinh dự là 1 trong những công trình nhận Giải Báo chí của thành phố. Chúng tôi sẽ cố gắng, duy trì diễn đàn thêm nhiều phiên tiếp theo để đóng góp trên mặt trận tuyên truyền, quan điểm, góp ý cho sự phát triển của toàn thành phố”, Tổng Biên tập báo Người Lao động Tô Đình Tuân nói.

Giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công

Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao động phát biểu

Tổng Biên tập báo Người Lao động Tô Đình Tuân nhận định, đầu tư công "không tiền thì kêu, có tiền mà không tiêu" là vô lý, vấn đề là cơ chế, cách làm và nhất là tâm trạng của những người thực hiện… Do đó, phải giải quyết để thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, địa chính trị có những yếu tố tác động từ bên ngoài...

Cuối cùng, Tổng Biên tập báo Người Lao động gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp… đã tham dự phiên diễn đàn, mong muốn sẽ tiếp tục được đồng hành trong những diễn đàn sắp tới để cùng góp sức cho sự phát triển chung của TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật