A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góp phần thực hiện thắng lợi công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng

Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng (HNQT và ĐNQP). Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống của Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng (21-12-2002 / 21-12-2022), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn Đại tá Dương Quý Nam-Viện trưởng-về những kết quả hoạt động của Viện và những thách thức nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá Dương Quý Nam, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng. 

Phóng viên (PV): Những dấu ấn nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng trong suốt 20 năm qua là gì, thưa đồng chí Viện trưởng?

 Đại tá Dương Quý Nam: Trước yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác HNQT và ĐNQP, ngày 21-12-2002, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) đã ra Quyết định số 189/QĐ-BQP thành lập Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tình hình quốc phòng, an ninh khu vực, quốc tế; tham mưu cho BQP về công tác ĐNQP; trực tiếp tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn an ninh đa phương, đối thoại an ninh song phương trong khu vực và quốc tế.

Một trong những thành tựu nổi bật, ghi dấu sự trưởng thành của Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng, đó là đã góp phần đáng kể vào thành công của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010. Năm 2010, Viện đã trực tiếp chủ trì 7 hội nghị và xây dựng nội dung phục vụ BQP tổ chức 17 hội nghị quốc phòng, quân sự trong khuôn khổ ASEAN/ARF. Đặc biệt, Viện là cơ quan trực tiếp tham gia đoàn công tác BQP tham vấn 9 nước ASEAN, Ban thư ký ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại, để BQP tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất tại Việt Nam. 

Sau thành công kể trên, BQP nước bạn Lào đã mời Viện sang chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức các hội nghị quốc phòng, quân sự đa phương khu vực. Viện đã thành lập đoàn chuyên gia sang Lào, góp phần giúp nước bạn thành công trong năm làm Chủ tịch ASEAN 2016. Với thành tích xuất sắc đó, Viện đã được Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Tự do hạng Nhất. 

Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng đã có những đóng góp tích cực thúc đẩy quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) của Việt Nam, một trong những dấu ấn quan trọng về HNQT và ĐNQP. Viện chủ động, tích cực vận động quốc tế tìm kiếm các nguồn tài trợ và hỗ trợ đào tạo từ các nước như Australia, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Mỹ...; cùng Đoàn 871 tổ chức nhiều khóa đào tạo ngôn ngữ, kiến thức địa bàn về các phái bộ của LHQ cho các sĩ quan Việt Nam. Đến năm 2014, khi Việt Nam cử hai sĩ quan đầu tiên tới Phái bộ Cộng hòa Nam Sudan thì Viện kết thúc nhiệm vụ và bàn giao cho Trung tâm GGHB Việt Nam (nay là Cục GGHB Việt Nam). 

PV: Công tác HNQT và ĐNQP ngày càng đòi hỏi tính tích cực, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Viện đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này ra sao, thưa đồng chí?

Đại tá Dương Quý Nam: Có thể khẳng định quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng luôn gắn liền với những kết quả HNQT và ĐNQP của Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Trong những năm qua, Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, thủ trưởng BQP các biện pháp về xây dựng quốc phòng toàn dân; xây dựng Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, hoàn thiện Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động HNQT và ĐNQP; tham mưu về tầm mức, quy mô, nội dung tham gia của Việt Nam trong các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương khu vực và quốc tế. Cùng với các cơ quan của BQP xây dựng và bảo đảm tốt các nội dung tham gia của đoàn BQP tại các hội nghị, diễn đàn, đối thoại song phương, đa phương khu vực và quốc tế.

Viện trực tiếp chủ trì tổ chức nhiều hội nghị quân sự, quốc phòng khu vực ở cấp làm việc, đồng thời tham gia các hội nghị, diễn đàn quân sự, quốc phòng, an ninh khu vực và quốc tế; hằng năm đón tiếp, trao đổi và làm việc với các đoàn quan chức ngoại giao, quốc phòng, giới hoạch định chính sách, các học giả từ nhiều nước sang thăm và làm việc tại Việt Nam; thiết lập quan hệ đối tác với các viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy hợp tác trao đổi, nghiên cứu các vấn đề quốc tế cùng quan tâm và cùng nhau tìm kiếm các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ về quốc phòng, an ninh song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế. 

Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại về công tác HNQT và ĐNQP; phát huy triệt để lợi thế qua kênh trao đổi, làm việc với giới chức ngoại giao, quân sự nước ngoài tại Hà Nội, xuất bản Tạp chí Quan hệ Quốc phòng, để đẩy mạnh tuyên truyền chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhất là các hoạt động đối ngoại quốc phòng. Qua đó, góp phần tạo thế và lực cho hợp tác song phương, cũng như tăng cường sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương giữa Việt Nam với các đối tác khu vực và quốc tế.

 Đại tá Dương Quý Nam phát biểu chào mừng Hội nghị ASMAM-10. 

PV: Xin đồng chí Viện trưởng chia sẻ rõ thêm về vai trò của Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng trong thúc đẩy lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau và thu hút sự ủng hộ dành cho Việt Nam trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế?

Đại tá Dương Quý Nam: Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng đã đóng góp vào kết quả của chuỗi hoạt động quân sự ASEAN trong tháng 11 vừa qua do BQP tổ chức, cùng với việc cử lực lượng tham gia phục vụ Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN lần thứ 23 (ACAMM-23) và Giải bắn súng quân dụng lục quân các nước ASEAN lần thứ 30 (AARM-30), Viện đã chủ trì, tổ chức thành công Hội nghị thường niên hạ sĩ quan lục quân các nước ASEAN lần thứ 10 (ASMAM-10). Thành công của hội nghị này góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng lục quân các nước ASEAN.

Những năm gần đây, hàng trăm lượt cán bộ của Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng đã tham gia các hội nghị quân sự, quốc phòng, các diễn đàn an ninh khu vực, thế giới, các hội thảo quốc tế cũng như những hoạt động đối thoại chính sách quốc phòng song phương và diễn tập quân sự đa phương.

Đây là cơ hội thuận lợi để cán bộ của Viện, bằng uy tín và năng lực chuyên môn của mình, góp phần thúc đẩy lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau và thu hút sự ủng hộ dành cho Việt Nam. Đơn cử bằng việc tham gia vào các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ ADMM+, Viện đã tạo dựng được uy tín khi phối hợp hiệu quả với các viện, trung tâm nghiên cứu của các nước đối tác đối thoại của ASEAN đồng chủ trì tổ chức thành công các hoạt động. 

Thành công của hội nghị ASMAM-10 góp phần thúc đẩy vai trò của Lục quân các nước ASEAN trong duy trì động lực hợp tác, vì hòa bình và ổn định trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia thành viên ASEAN phát triển. 

Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng đã trở thành một điểm đến tại Việt Nam của hàng trăm quan chức ngoại giao, quốc phòng, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức nghiên cứu và học giả từ nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, qua đó tăng cường trao đổi và thảo luận với bạn bè, đối tác về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Thông qua trao đổi, bạn bè quốc tế hiểu đúng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam, nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, tạo thế và lực cho hợp tác song phương và sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

PV: Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện có những phương hướng và giải pháp như thế nào trong thời gian tới để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới?

Đại tá Dương Quý Nam: Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, môi trường chính trị, an ninh tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, khó đoán định. Vì thế, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với công tác HNQT và ĐNQP, cũng như nhiệm vụ của Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng. 

Để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao, thời gian tới Viện sẽ tập trung vào một số nội dung cơ bản sau: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược về ĐNQP; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng công tác ĐNQP, nhất là xây dựng Chiến lược HNQT và ĐNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo; chủ động tham mưu, đề xuất các sáng kiến và tham gia có trách nhiệm, hiệu quả vào các cơ chế, diễn đàn an ninh khu vực và quốc tế, nhất là cơ chế hợp tác quốc phòng do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về HNQT và ĐNQP, qua đó, thúc đẩy hợp tác song phương, tăng cường sự ủng hộ trên các diễn đàn đa phương giữa Việt Nam với các đối tác khu vực và quốc tế; tiếp tục kiện toàn tổ chức theo hướng tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu mở rộng và nâng tầm công tác đối ngoại trong tình hình mới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết