A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nam: Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022

UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành Kế hoạch số 979/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022.

UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành Kế hoạch số 979/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh sản phẩm nông lâm thuỷ sản của tỉnh, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đảm bảo mục tiêu chung của toàn ngành nông nghiệp về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và phát triển bền vững.
 Phấn đấu 100% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền vận động và kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; 93% người lãnh đạo quản lý, 83% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 81% người tiêu dùng được phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm. Vận động 100% cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp áp dụng quản lý chất lượng: HACCP, GMP, GHP, ISO 22000; 100% cơ sở không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; 25% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm được giới thiệu tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm...
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Hà Nam đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022, phân công, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở từng nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo tiến độ, hiệu quả; chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam, Báo Hà Nam, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan kịp thời thông tin đầy đủ về vệ sinh, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản và truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn.
Cùng với đó chỉ đạo các đơn vị trong ngành và các địa phương triển khai thực hiện Thông  tư  số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNTngày 25/12/2018 quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lýcủa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đột xuất để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh  doanh nông sản thực phẩm, đặc biệt  là việc sử dụng, kinh doanh các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm, ngoài danh mục; tổ chức kiểm tra việc thực hiện triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ quan cấp huyện, cấp xã; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến giò, chả, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; truy xuất, xử lý triệt để các cơ sở sản xuất đưa sản phẩm vi phạm lưu thông trên thị trường; tổ chức lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản có rủi ro cao, tiêu thụ nhiều nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm; tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ làm nhiệm vụ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ, xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh với địa phương khác.
Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra các đợt cao điểm về an toàn thực phẩm (Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu...) trong năm 2022; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm để quản lý hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý, kiểm soát ngăn chặn lạm dụng kháng sinh y tế trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm; phối hợp trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm mất an toàn; quản lý nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nông lâm thủy sản.
Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh, lưu thông các loại vật tư nông nghiệp, nông sản thực phẩm nhất là thực phẩm chế biến ăn liền, xử lý nghiêm khắc, kịp thời các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kiểm soát ngăn chặn lạm dụng hoá chất công nghiệp trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm. Đồng thời tổ chức các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ, xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn.
Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh cân đối, bố trí bổ sung kinh phí để tăng cường cho hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022; kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an các đơn vị, địa phương phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu; các cơ sở tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp (rau, củ, quả và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả; thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt; thuỷ sản và các sản phẩm chế biến từ thuỷ sản, muối) có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã thông tin đầy đủ về vệ sinh, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, tập trung vào các qui định, qui chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn cũng như các qui định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo qui định của pháp luật.
Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức chính trị - xã hộ tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên các tổ chức hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; xây dựng kế hoạch đảm  bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm  thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 tại địa phương và tổ chức triển khai đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi hành vi, tập quán lạc hậu, không  đảm  bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức triển khai Thông  tư  số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phân cấp quản lý; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đột xuất để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, đặc biệt là việc sử dụng, kinh doanh các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm, ngoài danh mục. Tập trung nguồn lực tăng cường thanh tra đột xuất đối với các cơ sở/công đoạn có phát hiện vi phạm hoặc có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật