Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội nỗ lực “thoát đáy” trong giải ngân vốn đầu tư công

Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, thành phố (TP) Hà Nội đang tập trung nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu "thoát đáy" khỏi nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước; đạt trên kế hoạch giải ngân vốn năm 2022.

Tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình toàn quốc

Hà Nội có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp hơn mức trung bình toàn quốc và thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước. Đến ngày 9-9-2022 thành phố giải ngân được 15.334,9 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch, vẫn còn thấp so với yêu cầu, trong đó, cấp thành phố đạt 23,5%, cấp huyện đạt 34,9%.

Theo thống kê, chỉ có 16/42 đơn vị được giao kế hoạch có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình. Nhiều đơn vị có số vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp như: Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp (20,8%); Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (18,5%), UBND huyện Đông Anh (27,2%), UBND huyện Hoài Đức (23%), UBND huyện Ứng Hòa (18,2%) và có 4 đơn vị đến nay chưa giải ngân.

Các dự án trọng điểm của TP triển khai chậm cả về thủ tục đầu tư và giải ngân vốn. Ngoài 8 dự án chuyển tiếp, mới phê duyệt được chủ trương đầu tư 6 dự án, còn 25 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư; tỷ lệ giải ngân các dự án trọng điểm đạt thấp (23,51%), số chưa giải ngân lớn (5.583 tỷ đồng).

Lãnh đạo thành phố kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các địa phương. Trong ảnh: Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công tại huyện Thường Tín. Ảnh: internet

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án chậm, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến vướng mắc trong quá trình giải ngân, dự án phải điều chỉnh, gia hạn nhiều lần. Còn 95/137 dự án đã được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng chưa phê duyệt dự án. Nhiều dự án chuyển tiếp (113/194 dự án) đến hết năm 2022 sẽ hết thời hạn thực hiện, phải điều chỉnh thời gian thực hiện để đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn 2023.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, báo cáo của UBND TP Hà Nội đã chỉ rõ, năm 2022 vẫn chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, cùng với đó là giá nguyên, nhiên vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao; công tác chuẩn bị dự án chưa kỹ nên giao vốn gặp vướng mắc hoặc không giải ngân được theo kế hoạch... Đáng chú ý, khó khăn trong giải phóng mặt bằng là vấn đề không mới nhưng vẫn rất nan giải; trong đó, trọng tâm là khó khăn về xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư.

Quyết liệt triển khai các giải pháp

Việc giải ngân chậm, chuẩn bị đầu tư chưa tốt ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của thành phố trong bối cảnh cả nước đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Chính vì thế, từ tháng 3-2022, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, quận huyện và các chủ đầu tư rà soát, cập nhật và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp thành phố.

Tuy nhiên, theo nhận định của UBND thành phố, ở một số đơn vị, công tác triển khai thực hiện còn hạn chế, chưa hiệu quả, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc và tổ chức thực hiện còn chưa chặt chẽ; kỷ luật trong công tác đầu tư công chưa nghiêm nên vẫn có một số dự án triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ thực hiện, dẫn đến giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp, ảnh hưởng đến tình hình thực hiện kế hoạch của toàn thành phố.

Thi công dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3. Ảnh internet 

Để “thúc” tiến độ giải ngân đầu tư công, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 21-7-2022 về tăng cường thực hiện, giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022. UBND thành phố yêu cầu,  ngoài thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định từ đầu năm phải tăng cường hoạt động một cách quyết liệt và thực chất hơn của 6 tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, Giám đốc các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thành phố, các chủ đầu tư dự án cần tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức giao ban hằng tháng về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc…

Phấn đấu giải ngân đạt hơn 90% kế hoạch vốn năm 2022, mới đây, tại thông báo kết luận Hội nghị về giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cam kết bằng văn bản với UBND thành phố về tỷ lệ giải ngân và chịu trách nhiệm nếu không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết.

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao chỉ tiêu giải ngân hàng tháng tới từng chủ đầu tư. Các chủ đầu tư không hoàn thành chỉ tiêu được giao phải giải trình trước tập thể UBND thành phố và là cơ sở để xem xét giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 của đơn vị.

Về phương án chung, thành phố xác định nhận diện, phân loại dự án, tập trung cho các dự án lớn, để xử lý, giải quyết khó khăn.

Phấn đấu đến ngày 31-12-2022, giải ngân đạt hơn 90%

Là một trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao hơn mức trung bình chung, ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, ban đã tập trung cao độ cho công tác giải ngân đầu tư công, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Tính đến hết tháng 8-2022, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã giải ngân được hơn 883 tỷ đồng, đạt 46,5%. Ban phấn đấu cả năm 2022 giải ngân khoảng 1.850 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch vốn thành phố giao.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc làm việc của Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ với UBND TP Hà Nội về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Ảnh: internet

"Rút kinh nghiệm từ năm 2021 thì ngay từ đầu năm 2022, ban đã tập trung xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai theo chỉ đạo của thành phố. Đối với công tác giải ngân, ban yêu cầu các phòng, ban chức năng của ban xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng giai đoạn, dự án"- ông Nguyễn Chí Cường cho biết thêm.

Tại huyện Quốc Oai, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trường Sơn cho biết, thời gian tới, UBND huyện tập trung xem xét, tháo gỡ vướng mắc với từng dự án; kiểm tra thực tế các công trình, giao ban kiểm điểm tiến độ; đồng thời, yêu cầu các đơn vị thi công tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị thi công công trình nhằm bảo đảm tiến độ kế hoạch…

Là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, tính đến ngày 6-9, chi giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của quận bằng 61,9% kế hoạch. UBND quận đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch là 100%.

Để đạt được mục tiêu, quận sẽ tập trung triển khai giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công. Một số dự án trọng điểm sẽ thi công liên tục 3 ca/ngày. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án chậm tiến độ sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn; duy trì giao ban đầu tư xây dựng cơ bản hàng tháng…

Với việc tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, kỳ vọng những tháng cuối năm, TP Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu giải ngân hơn 90%, hoàn thành thêm nhiều công trình để tạo không khí phấn khởi cho nhân dân và tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật