Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, đường bay nhộn nhịp nhất thế giới

Việc chặng bay nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm trong số các đường bay nhộn nhịp nhất thế giới là minh chứng rõ rệt nhất cho sự phục hồi ngoạn mục của thị trường hàng không nội địa. Quá trình phục hồi và phát triển của hàng không xuất phát từ chính nội lực của nền kinh tế, kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân sau giai đoạn "lò xo nén" vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Điểm tựa từ thị trường nội địa

Vội vàng bắt chuyến taxi khi đồng hồ mới điểm 4 giờ, anh Nguyễn Quang Huy (trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội) kịp đến sân bay Nội Bài để hoàn thành thủ tục hàng không cho chuyến bay khởi hành lúc 6 giờ từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh. "Dù đi chuyến bay sớm trong ngày nhưng lúc tôi đến sân bay, nhà ga quốc nội đã đông đúc. Hành khách xếp hàng khá dài qua bộ phận kiểm tra an ninh. Trong những ngày cuối năm, lượng khách đổ về sân bay càng đông, đặc biệt là đi chặng Hà Nội-TP Hồ Chí Minh", anh Nguyễn Quang Huy chia sẻ. Thực tế, hình ảnh nhà ga nhộn nhịp tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã không còn xa lạ với người dân Việt Nam ngay từ lúc dịch Covid-19 được kiểm soát thành công.

Khai thác hoạt động hàng không dân dụng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: PHAN CÔNG 

Một thông tin rất đáng chú ý trong năm 2022 là đường bay Hà Nội-TP Hồ Chí Minh đứng thứ tư trong tốp 10 đường bay nhộn nhịp nhất thế giới theo công bố trên trang web cung cấp thông tin chuyên sâu và dữ liệu về du lịch hàng đầu thế giới OAG.com. Cơ sở để xếp hạng đường bay được xác định từ những tuyến có số lượng ghế bán ra nhiều nhất trong một năm. Theo đó, 9 trong 10 đường bay hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới đều nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đáng chú ý, đường bay Hà Nội-TP Hồ Chí Minh có số ghế bán ra lên đến hơn 8,5 triệu ghế trong thời gian từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2022, chỉ đứng sau 3 đường bay gồm: Jeju-Seoul (Hàn Quốc), Sapporo-Tokyo và Fukuoka-Tokyo (Nhật Bản). Năm 2019, đường bay này cũng lọt vào tốp 6 thế giới. Bên cạnh đó, theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2022, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Nói về thị trường hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đánh giá, du lịch, hàng không nội địa có tiềm năng to lớn. Trong suốt hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (2020, 2021), trừ những giai đoạn toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch thì thị trường nội địa là "cứu cánh" cho các hãng hàng không Việt Nam trong việc duy trì hoạt động, tạo dòng tiền, khi mà thị trường quốc tế gần như đóng băng. Trong những giai đoạn dịch bệnh được khống chế tạm thời, nhu cầu vận chuyển hàng không nội địa thậm chí còn tăng trưởng cao hơn cả năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19. Ví dụ như giai đoạn mùa hè năm 2020 hay dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5-2021, các hãng hàng không Việt Nam đều tận dụng cơ hội này để tập trung khai thác thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển và qua đó có nguồn tài chính kịp thời để bù đắp sự thiếu hụt do ảnh hưởng của đại dịch.

Việc dỡ bỏ dần các hạn chế liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng không nội địa thực hiện vào tháng 1-2022 cùng nhu cầu du lịch bùng nổ sau khi bị kìm nén trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội đã tạo điều kiện cho thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng, kết quả vận chuyển tăng dần qua các tháng của năm 2022.

Sức bật của "lò xo nén"

Nhìn nhận tiềm năng và nhu cầu rất lớn của thị trường hàng không nội địa, ông Đinh Việt Thắng nhấn mạnh, đây thực sự là cơ hội để các hãng hàng không khai thác, tận dụng sức bật của thị trường và phát triển hoạt động của mình trong các năm tới. Theo ông Đinh Việt Thắng, một điều mang tính quy luật là sau mỗi đợt khủng hoảng, thị trường giảm sâu thì giai đoạn sau đó lại hồi phục mạnh mẽ và có sự tăng trưởng nhanh, mạnh trong một thời gian dài. Điều này được kiểm chứng qua các giai đoạn phát triển của thị trường hàng không Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Đơn cử như sau khi bị ảnh hưởng của dịch SARS năm 2003, thị trường hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng liên tục ở mức cao, xấp xỉ 20% trong giai đoạn 2004-2008, hay như giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thị trường tăng trưởng liên tục hai con số cho đến năm 2019. Quy luật này cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không Việt Nam nắm bắt, khai thác để bứt phá trong giai đoạn tới.

Đánh giá về giai đoạn phát triển sắp tới của hàng không Việt Nam, Tiến sĩ, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam nhận định, nhu cầu du lịch nội địa có thể sẽ nguội đi và nhu cầu du lịch quốc tế tăng lên, vì vậy khó giữ được tăng trưởng hàng không nội địa ở mức cao trong một thời gian dài. Trong bối cảnh đó, theo Tiến sĩ Lương Hoài Nam, kích cầu hàng không, du lịch nội địa bằng vé máy bay, phòng khách sạn và các tour du lịch giá rẻ là cần thiết. Đồng thời, khi thị trường quốc tế vẫn còn khó khăn trong năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cấu trúc toàn diện, duy trì khả năng thanh toán, tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật