A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị báo cáo những vấn đề về giáo dục và ngoại giao

Sáng 8-9, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 9-2023. Hội nghị tập trung vào hai chuyên đề: Những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 và định hướng lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới; Cạnh tranh chiến lược nước lớn hiện nay-Tác động và chính sách của Việt Nam.

Thông tin tại Hội nghị, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu lên những kết quả đạt được của ngành giáo dục trong thời gian qua và 12 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học 2023-2024.

Theo đó, giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết số 29 được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả. Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng lên. Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thực chất, hiệu quả hơn, nhiều đổi mới, nhất là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục, như: Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có chính sách đột phá thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn bất cập; vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp và áp lực tuyển sinh đầu cấp, nhất là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.…

TS Thái Văn Tài báo cáo tại hội nghị. 

Báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, TS Thái Văn Tài đề cập đến 5 mốc đổi mới của giáo dục vào các năm 1950, 1956, 1979, 2000 và 2018; khẳng định sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện theo hướng trao quyền cho giáo viên; sách giáo khoa là phương án để tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, là tài liệu quan trọng nhưng không phải là phương án duy nhất.

Báo cáo chuyên đề “Cạnh tranh chiến lược nước lớn hiện nay - Tác động và chính sách của Việt Nam”, PGS, TS Lê Đình Tĩnh, Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Bối cảnh mở ra cho Việt Nam không ít cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải theo dõi sát sao, thích ứng thỏa đáng, linh hoạt. Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XIII là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

Thông qua việc tuyên truyền các nội dung trên, Ban Tuyên giáo Trung ương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân về những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong năm 2023 và những năm tiếp theo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết