A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine: Không như kỳ vọng

Liên minh châu Âu (EU) cam kết tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác với Ukraine, áp đặt gói trừng phạt thứ 10 lên Nga nhưng từ chối thông qua lộ trình nhanh chóng để đưa Kiev trở thành thành viên khối. Đây là những nội dung chính của Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine vừa kết thúc ngày 3-2 tại Kiev.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 giữa EU và Ukraine là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Hội nghị diễn ra gần một năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong bối cảnh chiến sự đang leo thang căng thẳng cùng những cuộc thảo luận gay gắt về việc viện trợ các vũ khí hiện đại hơn cho Kiev.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở một quốc gia đang có xung đột. Sau hội nghị, EU và Ukraine đã ra tuyên bố chung 32 điểm đề cập 5 chủ đề, trong đó nổi bật là tiến trình Kiev gia nhập EU và phản ứng về cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuyên bố chung đề cập tới cách thức hỗ trợ Ukraine nhiều hơn nữa, như EU khẳng định sẽ hỗ trợ Ukraine “trong thời gian lâu nhất có thể” và tăng cường áp lực tập thể nhằm vào Nga, cũng là cách để thể hiện đoàn kết với Ukraine. EU tuyên bố sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow sau khi đã áp đặt 9 gói trừng phạt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24-2-2022.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) trao đổi với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (bên trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AP 

Theo AP, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kiev, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga sẽ có hiệu lực trước ngày 24-2, đúng một năm nổ ra sự kiện. Các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào các linh kiện được sử dụng trong sản xuất máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác.

Bên cạnh đó, EU cam kết tiếp tục viện trợ quân sự, tài chính cho Ukraine, bao gồm khoản bổ sung 3,6 tỷ euro và huấn luyện 30.000 binh sĩ Ukraine trong năm 2023. Kể từ khi xung đột diễn ra, EU đã viện trợ cho Ukraine gần 50 tỷ euro.

Tuy nhiên, như nhiều nhà phân tích dự đoán, kết quả của hội nghị không đáp ứng được yêu cầu của Kiev về một quá trình nhanh chóng hướng tới gia nhập EU.

Ukraine đã được trao tư cách ứng cử viên đầy đủ vào năm ngoái và Kiev gần đây cho biết họ hy vọng sẽ trở thành thành viên đầy đủ của EU vào năm 2026. Tuy nhiên, EU đã không cam kết về bất kỳ thời điểm nào, thay vào đó nhấn mạnh Ukraine cần đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cải cách hệ thống tư pháp và củng cố nền kinh tế.

Chủ tịch Ursula von der Leyen khẳng định: “Không có mốc thời gian cụ thể nào về việc gia nhập EU, nhưng có mục tiêu. Ví dụ, các cải cách nhằm cải thiện tình hình ở quốc gia ứng cử viên để sau đó đạt được các cuộc đàm phán gia nhập và tiến tới gia nhập”.

Tuyên bố chung được công bố sau hội nghị thượng đỉnh cũng nói rằng EU ghi nhận những nỗ lực đáng kể của Ukraine trong việc đạt được các mục tiêu của mình, hoan nghênh những tiến bộ và khuyến khích Kiev tiếp tục cải cách toàn diện để tiến tới tư cách thành viên EU trong tương lai.

Có thể thấy, hội nghị được gọi là lịch sử này chưa thực sự thỏa mãn được mong muốn của các bên liên quan, đặc biệt là Ukraine, thay vào đó nó còn “giội gáo nước lạnh” vào tham vọng của Kiev về một “lối tắt” gia nhập EU. Một số nhà phân tích cho rằng, hội nghị này chỉ phơi bày sự khác biệt sâu sắc giữa các quốc gia thành viên EU và tình thế "tiến thoái lưỡng nan" mà châu Âu tự đặt ra giữa việc duy trì "sự đúng đắn về chính trị" và lợi ích phát triển của chính mình. EU có lý do để giữ vững các cam kết ủng hộ Kiev, nhưng việc “đèo bòng” sẽ khiến EU ngày càng dấn sâu vào những vũng lầy của suy thoái kinh tế, khủng hoảng năng lượng, đình công quy mô lớn và các vấn đề sinh kế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật