A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không để “nghỉ Tết... đến hè”

Ngày mai (29-1), học sinh cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Mặc dù đây mới là thời gian nghỉ Tết chính thức, thế nhưng trên thực tế hàng triệu học sinh đã “nghỉ” ở nhà để học trực tuyến suốt một thời gian dài nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Những ảnh hưởng tiêu cực của việc học trực tuyến đối với cả học sinh và giáo viên là không nhỏ, khiến cả xã hội trăn trở, lo lắng. Hầu như ai cũng mong muốn sau kỳ nghỉ này, các em sẽ được đến trường an toàn, không để “nghỉ Tết... đến hè” (sau thời gian nghỉ Tết phải ở nhà để học trực tuyến đến hết năm học) như đã từng xảy ra.

Học sinh Hà Nội học online. Ảnh: https: vnexpress.net

Đặc biệt quan tâm và thấu hiểu nguyện vọng được đến trường của các em học sinh, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại tổ chức vào trung tuần tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp an toàn sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 để trẻ em, học sinh 5-11 tuổi đi học trực tiếp trở lại. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 24-1, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình dịch tại địa phương để xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên (HS,SV) trước ngày 14-2.

Triển khai các giải pháp phù hợp để HS,SV được học trực tiếp “sớm nhất có thể” là mệnh lệnh từ cuộc sống, là trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội đối với thế hệ trẻ, với tương lai của đất nước. Bởi nếu tiếp tục học trực tuyến kéo dài, HS,SV không chỉ hổng kiến thức, thiếu kỹ năng mà còn chịu ảnh hưởng lớn về thể chất, tâm lý, sức khỏe tinh thần... Hiện nay, tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 cho người dân trên 18 tuổi cũng như học sinh từ 12 đến 17 tuổi đã ở mức rất cao; trẻ em dưới 12 tuổi nếu mắc Covid-19 thì thường ở mức độ nhẹ; ý thức và kinh nghiệm phòng, chống dịch của mỗi người cũng tốt hơn... Theo nhiều chuyên gia, đó là cơ sở để có thể nghiên cứu mở cửa trường học trở lại một cách an toàn mà không cần chờ tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Đối với mọi quốc gia, giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu, bởi vậy UNICEF và UNESCO đã đưa ra khuyến cáo, trong đại dịch Covid-19, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng phải là trường học. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều người không khỏi băn khoăn khi ở không ít địa phương, các nhà máy, xí nghiệp, công sở, hàng quán... đã được hoạt động thì trường học lại vẫn “im lìm”. Có hai nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này, một là chính quyền địa phương quá thận trọng, bên cạnh đó, một bộ phận phụ huynh còn tâm lý sợ dịch bệnh nên chưa cho con em đến lớp.

Mở cửa trường học trở lại một cách an toàn là yêu cầu cấp thiết. Để có thể làm được việc này, trước hết không thể thiếu sự đồng thuận, hợp tác của các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, các địa phương cần quyết tâm cao, xây dựng phương án cụ thể, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo hướng phòng dịch tốt; chủ động phát hiện ca bệnh để điều trị kịp thời; cách ly, phong tỏa hẹp để hạn chế gián đoạn trong việc dạy học trực tiếp.


Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết