Kiến tạo đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp, sáng tạo và giàu năng lực
Với mục tiêu xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo, học viên, sinh viên và học sinh trong kỷ nguyên số, Trung tâm hợp tác đào tạo và bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những đổi mới, bứt phá đáng kể.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo và bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục.
Phóng viên (PV): Thưa bà, việc chuyên nghiệp hóa, sáng tạo, chuẩn hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng phát triển nghề nghiệp của ngành Giáo dục có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng hệ sinh thái trường học của Việt Nam hiện nay?
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên: Có thể khẳng định những quyết định đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đối với nhu cầu phát triển nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo, học viên, sinh viên và học sinh trong thời gian qua đã góp phần đáng kể, có tính bứt phá trong công tác giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.
Cụ thể tại Đại học Quốc gia Hà Nội, từ năm 1999, Khoa Sư phạm được thành lập đánh dấu sự ra đời một mô hình đào tạo giáo viên mới trong hệ thống giáo dục Việt Nam - mô hình đào tạo mở hướng tới sự liên thông, liên kết trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo và bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Để ghi nhận và phát triển mô hình đào tạo tiên tiến, ngày 3-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 441/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Giáo dục trên cơ sở Khoa Sư phạm. Trường Đại học Giáo dục đã trở thành đại học thành viên thứ 6 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự hình thành và phát triển của Trường Đại học Giáo dục đã góp phần đánh dấu sự ra đời của Trung tâm hợp tác đào tạo và bồi dưỡng.
Hiện Trung tâm đang hoạt động và phát triển với sứ mệnh: Kiến tạo đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp, sáng tạo và giàu năng lực thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
PV: Trong chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, mục tiêu của Trung tâm là gì, thưa bà?
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên: Cùng với các nhiệm vụ như: Tổ chức và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục (cấp chứng chỉ và chứng nhận); các chương trình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế; tư vấn chính sách bồi dưỡng và thực hiện biên soạn tài liệu, cung cấp chương trình và đào tạo theo nhu cầu xã hội; nghiên cứu và triển khai các dịch vụ về công tác xã hội, phát triển cộng đồng… Trung tâm đặt ra nhiều mục tiêu.
Cụ thể như đưa ứng dụng công nghệ và phương pháp giảng dạy hiện đại; thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực phát triển nghề nghiệp giáo viên, tạo môi trường học tập suốt đời; xây dựng mạng lưới hợp tác rộng rãi với các đối tác trong và ngoài nước để tăng cường chất lượng đào tạo… Một trong những mục tiêu lớn mà Trung tâm hướng tới nữa là xây dựng và triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng về khoa học giáo dục và công tác xã hội - vấn đề mà trong xã hội hiện đại đang rất quan tâm.
Với kế hoạch đặt ra, trong giai đoạn 2021-2025, Trung tâm đã xây dựng biểu đào tạo ngắn hạn với 14 chương trình, như: Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm về giáo dục hòa nhập; nghiệp vụ quản lý giáo dục và quản trị trường học; kỹ năng tổ chức dạy học và giáo dục STEM trong cơ sở giáo dục phổ thông; năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh…
PV: Với các chương trình bồi dưỡng, đào tạo, vấn đề chuyên gia, giáo trình mang tính khoa học, sáng tạo, chuẩn mực để phù hợp với sự phát triển của giáo dục và đạo tạo trong nước, quốc tế là một trong những yếu tố tiên quyết, được chú trọng. Trung tâm đã xây dựng đội ngũ chuyên gia, giáo viên nghiên cứu, giảng dạy như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên: Sau hơn 15 năm hoạt động hiệu quả, Trung tâm đã và đang tạo nên dấu ấn trong lĩnh vực dạy học, đóng góp những giá trị cho sự phát triển giáo dục nước nhà.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, uy tín trong giáo dục và đào tạo nước nhà, như: GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc; GS, TS Mai Văn Hưng; GS, TS, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Hoàng Yến; PGS, TS Lê Thái Hưng; PGS, TS Trần Thành Nam; PGS, TS Đinh Thị Kim Thoa; PGS, TS Nguyễn Chí Thành; PGS, TS Phạm Mạnh Hà…
![]() |
Cán bộ, nhân viên của Trung tâm đặt mục tiêu xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo, học viên, sinh viên và học sinh trong kỷ nguyên số. |
PV: Cùng với công tác bồi dưỡng, đào tạo, Trung tâm còn thực hiện những chương trình gì để nâng cao chất lượng?
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên: Hiện tại Trung tâm đang triển khai các khóa bồi dưỡng, đào tạo cấp chứng chỉ, chứng nhận dịch vụ: Dành cho các trường đại học và cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, phân cấp theo: Các khóa học truyền thống; các khóa học chuyên ngành và các khóa học tinh hoa.
Ở nội dung dành cho các nhà trường phổ thông và các cơ sở giáo dục khác có nhiều chương trình, như: Nghiệp vụ sư phạm Giáo dục Mầm non (Tiếng Anh tăng cường), nghiệp vụ sư phạm giáo viên THCS, THPT; bồi dưỡng cấp chứng chỉ Giáo dục kỹ năng sống và tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa…
Nội dung dành cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác Trung tâm triển khai nhiều chương trình, như: Kỹ năng làm cha mẹ; kỹ năng chăm sóc người cao tuổi tại gia đình; bồi dưỡng cấp chứng chỉ về công tác xã hội trường học; chuyển đổi số trong giáo dục và nhà trường…
Những chương trình, kế hoạch hoạt động của Trung tâm đều hướng đến sự tiếp nối sứ mệnh tiên phong trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nước nhà trong thời đại phát triển và hội nhập quốc tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên!
VƯƠNG HÀ (thực hiện)