A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV: Đề nghị thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng

Chính phủ đề nghị thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng, đi kèm với những cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho Khu thương mại tự do.

Đề xuất của Chính phủ được nêu ra trong tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Tờ trình được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày tại phiên họp sáng 13-5, theo chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Phiên họp được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Theo đề nghị của Chính phủ, Khu thương mại tự do là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khu thương mại tự do được tổ chức thành các khu chức năng, bao gồm: Khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình, trong đó có đề nghị thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Các khu chức năng trong Khu thương mại tự do đáp ứng điều kiện khu phi thuế quan theo quy định của pháp luật được bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.

Các chính sách đặc thù ưu đãi Chính phủ đề xuất áp dụng cho Khu thương mại tự do Hải Phòng bao gồm: Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động; thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng; tối ưu hóa ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế; hoạt động đầu tư, kinh doanh khác trong Khu thương mại tự do và cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mở phòng giao dịch trong Khu thương mại tự do ngoài trụ sở chi nhánh.

Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng được đề xuất thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do và giao thẩm quyền để giải quyết trực tiếp các thủ tục về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho nhà đầu tư và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động vào Khu thương mại tự do.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi dẫn quan điểm của Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là cần thiết, là chủ trương lớn có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý.

Đây là chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thành phố Hải Phòng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến trên thế giới.

Nếu thực hiện thành công mô hình này, sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, của cả Vùng và đất nước. Vì vậy, tán thành với chủ trương thành lập Khu Thương mại tự do Hải Phòng.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng cho rằng, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để quy định cụ thể, rõ ràng về kết quả đầu ra khi thành lập Khu thương mại tự do, bao gồm tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền...; cơ chế quản lý, giám sát, bổ sung hệ thống giám sát định kỳ; trách nhiệm trong triển khai thực hiện của các cá nhân, tổ chức liên quan.

CHIẾN THẮNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật