A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lạm dụng “ươm mầm” công dân toàn cầu

Chiều cuối tuần, trường học đã bế giảng, trong khi bọn trẻ nhà tôi náo nức chuẩn bị đi xem nhạc kịch thì cô cháu gái lại phụng phịu ở nhà. Tối nay cháu có buổi học thêm tiếng Anh và mẹ cháu thì nhất quyết không cho nghỉ. Mẹ cháu bảo: “Đời sống tinh thần chưa thưởng thức, không sao cả.

Không đủ điểm IELTS để được ưu tiên, xét tuyển thẳng vào lớp 10 mới là vấn đề. Bởi vậy, luyện thi tiếng Anh là mục tiêu số 1”.

Hiện nay, nhiều trường phổ thông sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong xét tuyển đầu vào. Thực trạng đó khiến số học sinh có tình cảnh như cháu tôi không ít. Nhìn ở góc độ tích cực, việc ưu tiên đó phần nào thúc đẩy tinh thần học tập ngoại ngữ của học sinh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hình thức xét tuyển này, đặc biệt tràn lan ở mọi lứa tuổi có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.

Chính sách xét tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT theo kết quả chứng chỉ năng lực tiếng Anh quốc tế của Nghệ An hướng dẫn mới đây đang được dư luận quan tâm. Thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng vào lớp chuyên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cần phải có chứng chỉ tiếng Anh IELTS học thuật (IELTS Academic) từ 6.0 trở lên hoặc các chứng chỉ quốc tế khác với mức điểm quy đổi tương đương. Các trường THPT khác tùy vào chất lượng của học sinh trên địa bàn tuyển sinh quyết định mức điểm. Tuy nhiên, mức điểm tối thiểu IELTS Academic từ 4.0 trở lên... Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là một trong những giải pháp thúc đẩy việc dạy-học ngoại ngữ ở địa phương; từng bước nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên theo chuẩn quốc tế.

Thí sinh thi tốt nghiệp. Ảnh: TTXVN. 

Xem ra cơ chế này sẽ góp phần “ươm mầm” được nhiều công dân toàn cầu. Nhưng nhiều người băn khoăn, liệu lấy chứng chỉ quốc tế quá sớm, học ngoại ngữ chỉ nhắm đến mục tiêu này có phù hợp với lứa tuổi THCS không? Bài thi IELTS Academic đòi hỏi tư duy lập luận, tư duy phản biện và kiểm tra một khối lượng từ vựng có tính học thuật tương đối, không phải là những từ vựng đơn thuần trong giao tiếp..., phù hợp để lĩnh hội tri thức ở bậc đại học hay nghiên cứu. Để làm được bài, thí sinh phải có tư duy phản biện theo kiểu văn nghị luận về những vấn đề mới, nóng mà xã hội đang quan tâm; phải có kỹ năng nghiên cứu tài liệu khoa học.

Trong khi đó, lên lớp 8, học sinh mới bắt đầu làm quen với văn nghị luận. Do đó, nhiều học sinh học theo văn mẫu, đối phó mà không hiểu bản chất của vấn đề. Hệ lụy là các em mất đi tính sáng tạo, tìm tòi, tự nhận thức về thế giới quanh mình. Thực trạng “giờ này, việc kia” khá phổ biến ở học sinh cuối cấp THPT. Để đạt mục tiêu đủ điểm IELTS xét tuyển thẳng vào một trường đại học, nhiều em sẵn sàng bỏ hay lơ là các môn học không liên quan, chỉ để học tiếng Anh. Sẽ ra sao nếu học sinh cấp THCS cũng học theo hướng đó. Mục tiêu phát triển năng lực toàn diện ở cấp phổ thông mà ngành giáo dục hướng tới liệu có đạt được?

Chưa kể, mỗi khóa luyện thi và đợt thi IELTS lại khá đắt đỏ, dẫn tới sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả học sinh. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập vốn đã “khốc liệt”, nay càng rơi vào trạng thái cực đoan hơn. Mục đích thực sự của việc học ngoại ngữ không còn là sử dụng ngôn ngữ mà là chạy đua để có bằng cấp, có chứng chỉ.

Công bằng mà nói, một thí sinh có điểm IELTS cao có thể có ý thức học tập, năng lực tiếp thu tốt và gia đình có điều kiện kinh tế. Với nền tảng như vậy, việc học tập và cơ hội công việc sau này của các em sẽ có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, tiếp cận với IELTS ở thời điểm nào, lứa tuổi nào, sử dụng kết quả ra sao là điều nên xem xét lại. Nếu mục đích thật sự là để nâng cao năng lực tiếng Anh thì xã hội, gia đình và nhà trường cần tạo cho các em một môi trường học ngoại ngữ, những sân chơi toàn diện, bổ ích, thú vị và phù hợp hơn bên cạnh mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất ở các lứa tuổi khác nhau.

THÁI AN


Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết