A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng Mường vui giữa cao nguyên

Một làng Mường nhỏ bé giữa đất Tân Lâm, Di Linh với những nếp nhà yên ả giữa vườn cà phê, vườn dổi. Trải qua những ngày khó, làng Mường nay thực sự trở thành quê hương mới giữa cao nguyên gió lộng.

 
 
Thu hoạch hạt dổi
Thu hoạch hạt dổi
 
Bác Bùi Trùng Dương, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Thôn 7 là người đã gắn bó với mảnh đất này từ thời người Mường vừa tới đất cao nguyên. Tóc bạc, giọng nói sang sảng, bác Bùi Trùng Dương kể lại: “Người Mường từ Hòa Bình vào lập làng từ năm 1993, lúc Thôn 7 Tân Lâm này còn toàn rừng với cỏ tranh, đường đi là đường mòn. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, nay thôn 7 chúng tôi đã khá giả hơn rất nhiều, bà con khá rồi, ấm no rồi”.
 
Đúng như lời người đảng viên Bùi Trùng Dương chia sẻ, làng Mường là tên bà con trong xã gọi Thôn 7. Vì từ ban đầu, khi Thôn 7 còn chưa có dân định cư, bà con người Mường từ Hòa Bình vào đất mới sinh cơ lập nghiệp, xới từng gốc cỏ tranh lên để trồng cây sắn, cây bắp, trồng từng hộc cà phê. Hiện, toàn thôn có 120 hộ thì có 90 hộ người Mường, 30 hộ người Kinh. Hôm nay, Thôn 7 đầy ắp màu xanh của dâu tằm, cà phê, bơ, mắc ca và đặc biệt, màu xanh mang đầy chất đại ngàn của cây dổi, loài cây rừng lấy hạt được người Mường yêu thích. Đi đến đâu, bà con cũng mang theo vài hạt dổi để trồng lấy bóng cây, lấy trái lấy hạt, như mang theo bóng dáng quê nhà. 
 
Anh Bùi Nam Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân vừa đưa khách đi thăm một vài nông hộ vừa chia sẻ, Thôn 7 có 350 ha đất sản xuất. Vì vậy, mỗi hộ cũng có một vài ha đất canh tác, không quá nhiều nhưng cũng không quá thiếu. Thay vì trồng độc canh cây cà phê như ngày xưa, giờ bà con xen canh rất đa dạng, từ cà phê, dâu tằm là chủ đạo cho tới cây ăn trái như mít, sầu riêng, bơ, mắc ca xen canh. Dâu tằm giá ổn định từ mấy năm nay, bà con có thu nhập đều hàng tháng để lo cho sinh họat gia đình. Ngay cả giai đoạn cao điểm dịch COVID-19, giá kén vẫn tốt, dân Thôn 7 do vậy vẫn có thu nhập ổn định từ kén tằm. Còn lại, bà con chăm sóc sầu riêng, cà phê, bơ…, mang lại thu nhập khá . Chăm chỉ lao động, Thôn 7 hầu hết đều có đời sống kinh tế ổn định, còn rất ít hộ nghèo (chủ yếu là do bệnh tật). 
 
Không chỉ có cà phê và các cây trồng khác, người Thôn 7 còn có thứ đặc sản đến từ đất quê, đó chính là hạt dổi. Ông Bùi Văn Nhình, một trong những hộ Thôn 7 có cây dổi nhiều tuổi nhất thôn cho biết, như nhiều người Mường khác, đi đâu ông cũng mang theo cây dổi con để trồng như phong tục quê hương. Đất Tây Nguyên lắm nắng nhiều mưa, dổi hợp đất, hợp người lớn nhanh và ra hoa, kết trái. Hạt dổi ban đầu chỉ là gia vị của người dân tộc thiểu số. Dần dần, cộng đồng yêu thích gia vị làm từ hạt dổi, đặc biệt cho các món thịt nướng. Vậy là người Mường có thêm nguồn thu nhập từ hạt dổi. Bình thường chưa dịch, hạt dổi được bán với giá từ 1-1,2 triệu đồng/kg hạt khô. Mỗi cây dổi cũng cho từ 8-15 kí hạt/năm, cũng có thêm nguồn thu từ vườn. Bà con Thôn 7 trồng dổi xen vào vườn cà phê, vườn trái cây, tạo thành vườn đa cây, đa dạng, vừa làm cây che bóng cho cà phê, tạo môi trường sinh thái đa dạng. Cây dổi cao tới 10-12 m, là dấu ấn rất nổi bật với bà con Thôn 7, với khách lạ đến thăm làng Mường.
 
Như lời bác Bùi Trùng Dương, người đảng viên cao tuổi gắn bó với Thôn 7, làng Mường từ buổi ban đầu, giữa quê mới người Mường đã "bám rễ", như cái cây gắn với đất đại ngàn. Chăm chỉ lao động, làm việc hăng say, đa dạng hóa cây trồng, làng Mường đã xây dựng được đời sống kinh tế khá giả. Gần như nhà nào cũng có nhà mới khang trang, trẻ con được đi học, người lớn đi làm. Trong thôn không có tệ nạn, bà con đoàn kết cùng xây dựng đời sống. Giữa cao nguyên, khi nhắc tới làng Mường, bà con nhắc tới một thôn bé nhỏ nhưng yên bình, dưới tán dổi xanh ngắt và hương dổi bay xa. 
 
 

Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết