A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày 24-2-1948: Bác Hồ căn dặn “Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch”

Ngày 24-2-1948, Bác Hồ viết thư căn dặn “Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch”. Cũng trong ngày 24-2, nhiều sự kiện trong nước và quốc tế nổi bật đã diễn ra như ngày Bác Hồ thǎm công trường xây dựng ba nhà máy ở Hà Nội, ngày Đảng Công nhân Đức đổi tên thành Đảng Quốc xã...

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 24-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 24-2

Sự kiện trong nước

Thiền sư Nguyễn Khánh Hỉ sinh nǎm 1067 tại kinh thành Thǎng Long và viên tịch ngày 24-2-1142. Ông ǎn chay niệm Phật từ thuở nhỏ, thọ giới ở nhiều chùa. Về sau, ông trụ trì chùa Từ Liêm, và trở thành người đứng đầu thế hệ 14 dòng Thiền Nam phương. Do uyên thâm kiến thức và có uy tín nên thiền sư Nguyễn Khánh Hỉ được vua Lý Thần Tông (128-1137) rất trọng đãi, phong ông làm Tǎng Lục rồi Tǎng Thống. Tác phẩm chính của ông là “Ngộ đạo ca thi tập”.

Nguyễn Nghiêm sinh nǎm 1903 tại tỉnh Quảng Ngãi. Ông gia nhập Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Đến nǎm 1930, ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được đề cử làm Bí thư đầu tiên của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi. Hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở làng Tân Hội (quê ông). Nhân dân kéo đến chiếm huyện đường Đức Phổ, bắt những kẻ có nợ máu với dân và xử tội. Giặc Pháp và bọn tay sai đàn áp cuộc khởi nghĩa và ra lệnh truy nã ông. Ngày 24-2-1931, giặc bắt ông ở phủ Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi. Chúng dùng nhiều đòn tra tấn dã man nhưng không khuất phục được ông. Đến tháng 4-1931, chúng chém đầu ông ở bên sông Trà Khúc.

Bác Hồ thăm gia đình công nhân nhà máy Cao su Sao Vàng. Ảnh tư liệu. 

Ngày 24-2-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thǎm công trường xây dựng 3 nhà máy: Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Thuốc lá Thǎng Long ở Hà Nội. Phát biểu ý kiến với công nhân, cán bộ, Bác Hồ nói: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, muốn xứng đáng là giai cấp lãnh đạo thì phải gương mẫu trong công tác. Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, muốn nước nhà mau chóng thống nhất, muốn được tự do sung sướng, mọi người phải khắc phục khó khǎn, thi đua tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”.

Sự kiện quốc tế

24-2-1582, Giáo hoàng Grêgôriô XIII đưa ra Lịch Gregory, quyết định bỏ 10 ngày trong tháng 10 năm đó.

24-2-1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được chính thức công bố, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.

24-2-1861, bắt đầu Trận Đại đồn Chí Hòa giữa quân Pháp và quân Nguyễn, quân Pháp giành chiến thắng sau hai ngày giao chiến.

24-2-1868, Andrew Johnson trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên bị luận tội.

Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Johnson. Ảnh: history.com.

24-2-1920, Đảng Công nhân Đức đổi tên thành Đảng Quốc xã.

(Theo www.history.com)

Theo dấu chân Bác

Ngày 24-2-1920, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Vĩnh San (Cựu hoàng Duy Tân), lúc này đang bị đày tại đảo Rôniung (Rounion) ngoài Ấn Độ Dương gửi qua chủ nhiệm tờ “L’ Humanitộ” (Nhân Đạo).

26 năm sau, ngày 24-2-1946, Bác họp Thường vụ Trung ương đối phó với sự thoả hiệp Pháp - Hoa cũng như sự quấy phá của những thế lực đang đòi chia quyền lãnh đạo vào thời điểm chuẩn bị triệu tập Quốc hội.

Nhân dân đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ngày 5-1-1946. Ảnh tư liệu.

Ngày 24-2-1947, Bác viết thư gửi Uỷ viên Cộng hoà Pháp G.Xanhtơni (J.Sainteny), tiếp tục kêu gọi hoà bình: “Chỉ cần nước Pháp công nhận nền độc lập và sự thống nhất của Việt Nam thì ngay lập tức cuộc chiến sẽ ngừng, hoà bình và niềm tin cậy lẫn nhau sẽ trở lại, và chúng ta sẽ lại có thể bắt tay vào công cuộc lao động và kiến thiết vì hạnh phúc chung của hai dân tộc chúng ta”. Bức thư đó bị chặn lại ...và sau này Xanhtơni đã cay đắng cho rằng nước Pháp thua trận chỉ vì không chìa bàn tay của mình với Hồ Chí Minh.

Cũng trong tháng 2-1948, Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị Tư pháp toàn quốc nhấn mạnh: “...Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp (chăm lo việc công, giữ gìn pháp luật), chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.

Nhân Rằm tháng Giêng năm Canh Dần (24-2-1950), Bác làm bài thơ “Nguyên tiêu”:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chinh viên,

Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.

Yên ba thâm xứ đàm quân sự.

Dạ bán quy lai nguyệt món thuyền”,

Xuân Thuỷ dịch:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sang xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.

Ngày 23-2-1959, Bác nhận được thư của cán bộ, công nhân viên Xưởng may 10, viết: Hôm Bác đến, chúng cháu chú ý kỹ thấy quần áo Bác mặc đã cũ, chúng cháu vô cùng cảm động. Vì vậy chúng cháu không hẹn mà nên, mỗi người một ý bàn nhau may biếu Bác 2 bộ quần áo. Tuy quần áo chúng cháu may chưa đẹp, nhưng đó là cả tấm lòng thành của chúng cháu. Ngày 24-2-1959, trong thư trả lời, Bác biểu dương những thành tích đơn vị đó đạt được, cảm ơn đã biếu Bác quà và đề nghị dùng một bộ để làm giải thưởng thi đua.

(Theo Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia-Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia, tennguoidepnhat.net)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 24-2-1948, nhận được thông báo là tất cả bộ đội Khu II và Khu III đều biết đọc, biết viết, Bác Hồ viết thư khen ngợi: “Đó là một thắng lợi to cho quân đội ta, cho Chính phủ ta và cho dân tộc ta. Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực. Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dân ta vào nơi mù quáng. Bộ đội ta tiêu diệt được giặc dốt, tức là tiêu diệt được một lực lượng hậu thuẫn của thực dân... Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch!” .

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội ở Nam Định năm 1957. Ảnh: TTXVN.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khuyến khích tinh thần học tập trong quân đội, mà còn thể hiện tư tưởng “học phải đi đôi với hành”, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với chiến trường, quân sự gắn liền với chính trị.

Thấm nhuần những lời dạy của Người, đồng thời nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mỗi quân nhân đều xác định rõ, bên cạnh việc đánh giặc giỏi, cần phải có trình độ văn hóa tốt, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, có kiến thức toàn diện về chính trị, quân sự, nghiệp vụ, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật thì mới có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, câu nói “Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch” vẫn giữ nguyên giá trị, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, là nguồn động viên, cổ vũ để mỗi quân nhân không ngừng học tập, nghiên cứu, lý luận; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường rèn luyện về phương pháp, tác phong công tác; trình độ chuyên môn, năng lực, nghiệp vụ, làm chủ vũ khí, trang bị, kỹ thuật; lấy học tập chính trị, lý luận làm nền tảng; lấy học tập chuyên môn quân sự làm nòng cốt; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội trong giai đoạn mới, phấn đấu đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại được đặt trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 20 (Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên) trình diễn võ thuật. Ảnh: baoquankhu1.vn.

Do đó, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại ngày càng cấp thiết, bảo đảm cho quân đội có đủ sức mạnh, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, là niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm chính trị của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 423 ngày 24-2-1958 đăng bài viết “Ngày Xuân Bác đến”, tường thuật lại buổi Bác đến thăm đơn vị X ngày mồng 1 Tết, “Bác nhắc đến các chiến sĩ ở Việt-Bắc, Tây-Bắc, các đồng chí ở biên phòng, ở miền rừng, Bác nói “Các chú ấy cần được ấm nhiều”...”

Trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 423 ngày 24-2-1958 (phải) và trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 2787 ngày 24-2-1969.

Trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 2787 ngày 24-2-1969 đăng bài “Đầu Xuân đánh mạnh thắng lớn”, nhấn mạnh “Miền Nam anh hùng đã thực hiện tốt lời chúc đầu năm của Hồ Chủ tịch, Miền Nam đã trừng trị đích đáng giặc Mỹ ngoan cố đang đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược rất tàn bạo và liên tiếp khủng bố tàn sát gây những tội ác đẫm máu với đồng bào ta”.

MINH ANH (tổng hợp)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết