A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, ngày 12-5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2021.

Năm 2021 đã chi hơn 97.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam - một nền kinh tế hội nhập sâu, có độ mở cao, tình hình đứt gãy các chuỗi thương mại quốc tế do dịch bệnh gây ra đã tác động mạnh tới hoạt động kinh tế, tài chính trong nước.

Trong bối cảnh đó, các chính sách tài chính trong năm 2021 được thực hiện đồng bộ, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch. Vì vậy, từ cuối quý III năm 2021, các hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng tích cực, kinh tế vĩ mô cả năm được đánh giá ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, thị trường tài chính tiền tệ ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Quyết toán thu Ngân sách Nhà nước năm 2021 tăng 17,2% so với dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quyết toán thu ngân sách nhà nước tăng 17,2% so với dự toán; riêng thu thuế và phí đạt 15,1% GDP. Thu nội địa tăng 15,9% so với dự toán, chủ yếu là tăng từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách; tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu Ngân sách Nhà nước đạt 82,5%.

Về quyết toán chi ngân sách, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, con số này cũng tăng 0,4% so với dự toán; trong đó quyết toán chi ngân sách Trung ương 91% so với dự toán; quyết toán chi ngân sách địa phương bằng 107% so với dự toán.

Trong đó, đáng chú ý, năm 2021, ngân sách nhà nước đã chi hơn 97.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội.

Công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát

Trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, nhiều ý kiến Thường trực ủy ban cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, quyết toán thu Ngân sách Nhà nước đạt kết quả như trên ngoài lý do lập dự toán thận trọng, các khoản thu về nhà đất, chứng khoán, dầu thô tăng cao,… là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, trong đó đặc biệt ấn tượng với kết quả thu cân đối xuất nhập khẩu (tăng 21,2% so với dự toán).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2021 đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí mà số tăng thu Ngân sách Nhà nước năm 2021 vượt cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát. Các ý kiến đề nghị, trong bối cảnh khó dự báo chính xác dự toán thu Ngân sách Nhà nước, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước để có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ việc phân cấp, sử dụng số tăng thu Ngân sách Nhà nước nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ chi tiêu, đầu tư tập trung, không dàn trải, lãng phí.

 Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà: Công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát.

Liên quan đến quyết toán chi tăng 0,4% so với dự toán, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cũng cho rằng, quyết toán chi Ngân sách Nhà nước (bao gồm cả số chi chuyển nguồn) rất thấp là do công tác lập dự toán chi không sát, giải ngân đầu tư công thấp, chậm tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc hủy bỏ dự toán, chuyển nguồn lớn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách kinh tế, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Nhiều bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 2,58%, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, đời sống bộ phận người lao động gặp khó khăn phải thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Trong điều kiện đó, tổng thu ngân sách đã vượt dự toán 12,7%, tỷ trọng thu nội địa đạt 82,5% tổng thu Ngân sách Nhà nước, chi ngân sách cơ bản bảo đảm các nhiệm vụ của Nhà nước, bội chi ngân sách thấp hơn dự toán Quốc hội giao, kỷ luật thu chi Ngân sách Nhà nước từng bước được thực hiện cải thiện.

Quang cảnh phiên họp.  

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, qua báo cáo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy còn nhiều bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục. Chỉ rõ một số tồn tại hạn chế, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý.

Đặc biệt là những vấn đề như: Thông tin số liệu chung chung, chưa rõ; nguồn thu ngân sách chưa bền vững, tăng chủ yếu từ nguồn thu từ nhà đất, chứng khoán, bất động sản, dầu khí; phân bổ giao vốn chi thường xuyên, chi đầu tư chậm; điều chỉnh, bổ sung vốn nhiều lần, có trường hợp giao vốn chưa đúng quy định; còn tình trạng chi không đúng định mức, chế độ…

Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mỗi năm có những đặc điểm và tình hình riêng nên các báo cáo cần làm rõ, kiến nghị kịp thời để giải quyết các vấn đề đã nêu như việc sửa đổi các văn bản pháp luật, rõ trách nhiệm người đứng đầu, các vấn đề về chỉ đạo việc thực hiện các kết luận của kiểm toán…


Tags: ngân sách
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết