Phát huy “chất lính”!
Phát biểu tại hội nghị ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa qua, nhiều cán bộ của ngành nông nghiệp đã khẳng định: Chúng tôi rất tin tưởng khi làm việc với đơn vị Quân đội, bởi cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn có “chất lính”-đó là tinh thần kỷ luật cao, nghiêm túc, trách nhiệm, chân thành, thẳng thắn, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Trong nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp Quân đội, thủ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ: Có những nhiệm vụ khó khăn, cấp bách, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chọn giao cho các doanh nghiệp Quân đội thực hiện vì tin rằng, chỉ có “chất lính” của Bộ đội Cụ Hồ mới có thể đảm nhận và hoàn thành tốt những nhiệm vụ khó. Nhờ “chất lính” ấy, các doanh nghiệp xây dựng của Quân đội đã tham gia thi công nhiều công trình trọng điểm của Quốc gia, trong đó, có những hạng mục doanh nghiệp bên ngoài ngại làm vì nhiều khó khăn, ít lợi nhuận. Cũng nhờ “chất lính” mà Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội vươn lên mạnh mẽ, trở thành doanh nghiệp hàng đầu của đất nước với bước phát triển đột phá ở những lĩnh vực khó...
Quang cảnh hội nghị ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 2-8-2023. Ảnh:QĐND |
Đó là đặc trưng “chất lính” trong thực hiện nhiệm vụ. Cuộc sống đời thường, các quân nhân cũng luôn thể hiện “chất lính”, được nhân dân tin yêu, quý trọng. Ngay trong vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vừa qua, nhiều quân nhân sau khi đưa gia đình thoát ra ngoài đã không ngại hiểm nguy, quay lại đám cháy để giúp nhiều người dân thoát khỏi lưỡi hái tử thần...
Thực tế đã chứng minh, càng trong gian nan, hoạn nạn, “chất lính” càng tỏa sáng. Có thể khẳng định, “chất lính” ấy chính là đặc trưng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được hun đúc, kết tinh qua bao thế hệ, từ khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đến nay. Đây là "thương hiệu" quý, rất đáng tự hào của mỗi quân nhân.
Tuy nhiên, vinh dự càng cao, trách nhiệm càng lớn. Trước sự phát triển mạnh mẽ của đời sống xã hội với nhiều thách thức mới, nếu không giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không phát huy “chất lính” thì những quân nhân nói riêng, các cơ quan, đơn vị Quân đội nói chung sẽ khó tạo ra uy tín, ưu thế để hợp tác, cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
Để giữ vững và không ngừng phát huy “chất lính" cao quý, mỗi quân nhân cần tự giác quán triệt, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, trong đó đã xác định rõ 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Mọi quân nhân luôn nêu cao tinh thần tự tôn, ý thức giữ gìn hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh; không ngừng học tập, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức về mọi mặt để tích lũy phông kiến thức, văn hóa phong phú, sâu sắc, tạo lập uy tín và sự tự tin khi giao lưu, tiếp xúc, làm việc, phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội ngoài việc quan tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng, cần xây dựng “văn hóa doanh nghiệp” đặc trưng, chú trọng xây dựng nền tảng văn hóa dựa trên phẩm chất nổi trội, giàu “chất lính”, đó là: Tính kỷ luật, nghiêm minh, đoàn kết, thống nhất, tinh thần cống hiến, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trung thực, cầu thị...
Không chỉ có chức năng “đội quân chiến đấu”, Quân đội ta còn là “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”. Chính vì vậy, trên bất cứ “mặt trận” nào, mỗi quân nhân cũng cần tu dưỡng, rèn luyện, chủ động bồi đắp, phát huy cao độ “chất lính”, vừa tạo dựng uy tín cho mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa góp phần tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vô cùng cao quý trong thời kỳ mới.