A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quân, dân đồng lòng giữ vững biên cương

Khắc phục những bất cập về khí hậu, thời tiết và đường giao thông đi lại khó khăn, nhiều năm nay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, việc đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, đã tạo nên sự đồng lòng, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới và trật tự an toàn nơi đóng quân.

Có dịp tìm hiểu về công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật (GDPBPL) ở Đồn Biên phòng Na Cô Sa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên), chúng tôi được Thiếu tá Vũ Văn Hòa, Chính trị viên Đồn, kể: Những năm gần đây, tình hình chủ quyền lãnh thổ được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT, TTATXH) cơ bản ổn định. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, đề án…được địa phương triển khai thực hiện tốt theo kế hoạch. Do vậy, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới đã từng bước được nâng lên. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cũng đã có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa, tuyên truyền, GDPBPL cho nhân dân trên địa bàn

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, tình hình ANCT, TTATXH còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định, khó lường như: Hoạt động tuyên truyền đạo trái phép, âm mưu tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”; di dịch cư tự do; hoạt động tội phạm ma túy; sử dụng vũ khí tự tạo; các hoạt động vi phạm quy chế biên giới.

Đáng chú ý, địa bàn đơn vị quản lý, bảo vệ rộng với 17,369 km, trong đó có 5 mốc quốc giới (từ mốc số 36 đến mốc số 40); dân cư đông với gần 1.100 hộ dân và hơn 5.900 nhân khẩu thuộc 7 dân tộc (Kinh, Thái, Mông, Tày, Dao, Mường, Khơ Mú) sinh sống trên 11 bản dân cư. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 96,7% số khẩu. Đặc biệt, tại 11/11 điểm bản đều có hoạt động tôn giáo với hơn 860 hộ, hơn 5.250 nhân khẩu theo 2 tôn giáo chính là Công Giáo và Đạo Tin Lành với 5 hệ phái, có 19 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo. Với những đặc điểm và khó khăn trên, đòi hỏi cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác GD, PBPL, góp phần giữ gìn ANCT, TTATXH trên địa bàn đơn vị quản lý.

Để công tác tuyên truyền GDPBPL, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT, TTATXH) đạt hiệu quả, cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn đã tổ chức quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản và điện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên về đảm bảo an ninh trật tự trong các dịp lễ, tết. Quá trình làm nhiệm vụ, các lực lượng kịp thời nắm tình hình địa bàn, phát hiện và xử lý hàng chục người về hành vi xuất nhập cảnh trái phép và hành vi vi phạm biên giới. Gần đây nhất, đơn vị phối hợp với Công an huyện Nậm Pồ, phát hiện, bắt giữ, xử lý 2 đối tượng có hành vi trồng, chăm sóc cây thuốc phiện trái phép, nhổ phá gần 500m2 với khoảng 5.000 cây thuốc phiện…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa, phối hợp với Công an huyện Nậm Pồ, nhổ phá cây thuốc phiện do người dân trồng trái phép 

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2017 - 2021” trên địa bàn tỉnh Điện Biên và đến hết tháng 2-2022, đơn vị đã phối hợp tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn hơn 300 buổi với trên 24.800 lượt người nghe. Phối hợp, tổ chức gần 30 buổi chiếu phim, chương trình văn nghệ có nội dung về pháp luật phục vụ cho gần 5.000 lượt người xem. Tổ chức tuyên truyền, vận động hơn 1.000 hộ dân ký cam kết phòng, chống dịch Covid-19, không xuất nhập cảnh trái phép và từ bỏ tà đạo. Tổ chức hàng chục đợt và hội nghị tuyên truyền GDPBPL cho gần 150 lượt người là cán bộ, đại biểu người có uy tín. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với địa phương, tổ chức văn nghệ, lồng ghép nội dung GDPBPL với trên 1.000 lượt người nghe; phát trên 1.000 tờ rơi tuyên truyền về pháp luật.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Bởi vậy, từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận hơn 200 tin có giá trị liên quan đến các hoạt động vi phạm pháp luật; vận động giao nộp, tiếp nhận gần 90 vũ khí, vật liệu nổ, súng tự tạo các loại. Bắt và khởi tố trên 20 vụ án và đối tượng phạm tội ma túy, mua bán người. So với giai đoạn trước, giảm 2 vụ/2 đối tượng…

Trò chuyện với chúng tôi, ông Giàng A Tú, người dân bản Na Cô Sa 1, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, bày tỏ: “Không chỉ giỏi vận động, thuyết phục bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu và tà đạo, mà các chú Bộ đội Biên phòng còn quan tâm, chăm lo giúp người dân thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế. Nhiều năm nay, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân chúng tôi đã được nâng lên rõ rệt, không còn đói, khổ, lạc hậu nhiều như trước nữa”.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa, phối hợp với Công an huyện Nậm Pồ, nhổ phá cây thuốc phiện do người dân trồng trái phép.

Còn ông Giàng A Trừ, trú ở bản Huổi Thủng 1, xã Na Cô Sa, thì bộc bạch: “Trước kia, cuộc sống của đồng bào khổ cực lắm với đủ thứ tệ nạn, từ trồng, hút thuốc phiện đến buôn bán ma túy... Nhờ có Bộ đội Đồn Biên phòng Na Cô Sa, mà đời sống của người dân đã tốt lên. Giờ người say, người nghiện ma túy đã ít hơn trước rất nhiều rồi…”.

Theo Thiếu tá Vũ Văn Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Cô Sa, thời gian tới đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên về công tác bảo đảm ANCT, TTATXH trên địa bàn. Phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Xây dựng kế hoạch, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát biên giới, địa bàn, kịp thời xử lý các tình huống, không để bị động bất ngờ. Quan tâm, động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết