A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quân đội Nhật Bản chật vật tuyển dụng tân binh

Trong nỗ lực tăng cường năng lực quân sự những năm tới nhằm ứng phó với môi trường an ninh ngày càng thay đổi phức tạp, Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề mang tính “xương sống” đó là tuyển dụng tân binh ngày càng khó khăn...

Theo Japantimes, Lực lượng Phòng vệ (SDF) của Nhật Bản đang phải đối mặt với trận chiến đó là tuyển dụng đủ số lượng tân binh, do vấp phải sự cạnh tranh ngày càng tăng với khu vực tư nhân và tỷ lệ sinh giảm. Thực tế là có rất ít cơ sở để thuyết phục một sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đại học ở Nhật Bản rằng gia nhập SDF sẽ tốt hơn kiếm được việc làm tại Toyota. 

Theo ông John Bradford, Cựu giám đốc quốc gia phụ trách Nhật Bản tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, mặc dù cũng là công chức quốc gia với công việc ổn định, nhưng sự thật là nhân viên SDF kiếm được ít tiền hơn so với nhiều đồng nghiệp của họ trong quân đội ở các nền kinh tế tiên tiến khác.

 Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản. Ảnh minh họa: Kyodo

Một yếu tố quan trọng khác là tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp của Nhật Bản cho phép người tốt nghiệp trung học và đại học có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm hơn. Thực tế này đặt ra thách thức lớn hơn cho các nhà tuyển dụng của SDF, vì các công ty tư nhân thường mang đến cho các bạn trẻ những ưu đãi tốt hơn nhiều về lương, phúc lợi, sự ổn định hoặc môi trường làm việc thoải mái hơn.

Thậm chí theo ông Andrew Oros, giáo sư khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Washington (Mỹ), nhiều người còn coi công việc của SDF giống như một công việc “cổ cồn xanh” lao động bằng tay chân, vất vả và nguy hiểm. Cũng giống như một số quốc gia, việc tham gia quân ngũ ở Nhật có xu hướng trở thành truyền thống gia đình. Nhưng hiện truyền thống này đã dần bị mai một do tỷ lệ sinh giảm và sự ác cảm bắt nguồn từ thực tế của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. 

Kể từ năm 2014 đến nay, SDF không thể nào đạt được chỉ tiêu tuyển dụng tân binh. Mục tiêu nhân sự hiện tại của SDF là 247.154, nhưng tính đến cuối tháng 3 vừa qua, mức này là 230.754, thiếu 16.400 so với mục tiêu đó. Việc tìm đủ số lượng thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 26, vốn từ lâu đã là cốt lõi trong nhóm tuyển dụng của SDF, bị giảm từ 17 triệu vào năm 1994 xuống còn 10,5 triệu vào tháng 10-2021. Xu hướng này được nhận định có khả năng tiếp diễn trong những thập kỷ tới.

Trước thực trạng nan giải này, SDF đã sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để tăng sức hấp dẫn đối với những tân binh tiềm năng. SDF mở các chiến dịch quảng cáo trên truyền thông đại chúng, có các chính sách cải thiện điều kiện sống cho những người được tuyển dụng và nỗ lực tạo ra sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.

Ngoài việc tiếp tục các hoạt động tuyển dụng thông qua các trường trung học, SDF cũng tăng cường các chiến dịch quảng cáo và thông tin trực tuyến, bao gồm cả trên mạng xã hội và hợp tác chặt chẽ với các trung tâm nghề nghiệp của trường đại học và chính quyền địa phương. SDF cũng nhắm mục tiêu đến những người muốn thay đổi công việc sau khi tăng tuổi nhập ngũ tối đa từ 26 lên 32.

Một đợt tăng lương đã được thực hiện vào năm 2020 và một đợt tăng lương khác đang được xem xét. Ngân sách quốc phòng cho năm tài chính này, bắt đầu vào tháng 4-2023, cũng nhắm đến vấn đề này. Chính phủ sẽ phân bổ ngân sách để cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân viên SDF bằng cách cung cấp bữa ăn ngon hơn, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện chỗ ở, bao gồm cả chỗ ở thân thiện với trẻ em. Ngân sách cũng hướng đến tăng cường hỗ trợ cho vợ/chồng, các chương trình tìm việc làm lại và hỗ trợ tài chính cho giáo dục đại học sau khi tân binh hoàn thành những điều khoản cố định với SDF.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang xem xét đưa vào sử dụng hệ thống liên lạc internet tốc độ cao Starlink của SpaceX trên một số tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ trên biển để cho phép thành viên phi hành đoàn liên lạc tốt hơn với gia đình của họ trong khi triển khai dài hạn.

Bộ Quốc phòng cũng tăng cường tuyển dụng thêm phụ nữ, những người hiện chiếm khoảng 8,3% tổng số nhân sự của SDF. Được biết ngân sách quốc phòng năm 2023 cũng bao gồm kinh phí cải tạo khu vực làm việc và sinh hoạt cho nữ quân nhân trong doanh trại và trên tàu, cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em tạm thời trong trường hợp khẩn cấp, cải thiện nhà trẻ tại nơi làm việc và thúc đẩy các biện pháp chống quấy rối.

Giới chuyên gia còn cho rằng, Chính phủ Nhật cần làm nhiều hơn nữa để thay đổi nhận thức của người dân về vai trò và sứ mệnh của SDF. Một câu hỏi được đặt ra là có bao nhiêu người Nhật Bản nhận thức đầy đủ về vai trò của SDF. Trung tướng nghỉ hưu Koichi Isobe thuộc Lực lượng Phòng vệ mặt đất cho biết: “Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đại đa số người Nhật có cái nhìn tích cực về SDF. Tuy nhiên, điều này không tự động chuyển thành nhiều tân binh hơn.”

Japantimes dẫn lời Trung tướng Koichi Isobe cho rằng, một lý do chính là nhiều người vẫn coi nhiệm vụ chủ yếu của SDF là ứng phó với thiên tai chứ không phải bảo vệ quốc gia. Họ coi đây là một tổ chức hữu ích, đặc biệt là trong nhiều hoạt động cứu trợ thiên tai, bao gồm cả phản ứng của SDF đối với trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản và cuộc khủng hoảng tiếp theo tại nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima.


Tags: Nhật Bản
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết