A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ quyết nghị thông qua để trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai khai mạc vào ngày 5-1-2023.

Với nhiệm vụ mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, quy hoạch nói trên đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến và Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Đảng đã cho ý kiến thông qua Kết luận số 45-KL/TW ngày 17-11-2022. Đây là quy hoạch đầu tiên được lập theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, là cơ hội lớn để Việt Nam đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước, định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia. 

Việc tổ chức không gian phát triển đất nước còn những hạn chế

Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của đất nước. Nổi bật, phát triển vùng, liên kết vùng chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Bước đầu đã hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, liên vùng; không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, đô thị, thông tin và truyền thông... 

Bên cạnh kết quả đạt được, thực trạng tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính; liên kết vùng còn nhiều bất cập. Đầu tư phát triển còn dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đất nước. Chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ và hiện đại, kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển; một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng chậm được đầu tư. Hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tác động lan tỏa còn hạn chế. Chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn, làng nghề và một số lưu vực sông chậm được khắc phục; ô nhiễm môi trường biển, hải đảo gia tăng. Hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ trong phát triển các ngành, lĩnh vực để hình thành những khu vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư; còn xảy ra mâu thuẫn lợi ích, xung đột tại một số địa bàn.

Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua có thể chỉ ra là, đó là do tư duy phát triển dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia để xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, công tác quy hoạch chưa được coi trọng đúng mức, chất lượng chưa cao. Thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế liên ngành, liên vùng, khắc phục tình trạng cục bộ địa phương. Chưa dành nguồn lực thích đáng để đầu tư hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, các vùng; các khu vực ưu tiên phát triển như vùng động lực, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế. Phát triển bền vững chưa trở thành tư duy chủ đạo trong hoạch định và thực hiện chính sách phát triển.

Toàn cảnh khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: TUẤN HUY 

Khai thác lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia có vị trí trung tâm, vai trò nền tảng, là căn cứ và cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển xã hội 5 năm và hằng năm. Đặc biệt, đây là cơ sở để quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng của quốc gia theo quy định của pháp luật có liên quan; lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh; là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong quản lý phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, việc lập và thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng để lập các quy hoạch khác theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội, đồng thời làm căn cứ để xác định và quyết định các dự án đầu tư phục vụ cho phát triển các ngành, các vùng và các địa phương.

Thực hiện Luật Quy hoạch, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo sát sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia tư vấn, nhà khoa học... khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia đã huy động sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua các hội thảo khoa học, hội nghị tham vấn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, đã tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tiếp thu ý kiến Kết luận số 45-KL/TW ngày 17-11-2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Đảng về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2021-2030, bao gồm quan điểm “Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Về quan điểm tổ chức không gian phát triển, quy hoạch tổng thể quốc gia nêu rõ: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030; đồng thời, có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn. Tổ chức không gian phát triển quốc gia phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế quan trọng của khu vực và quốc tế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các xe qua trạm thu phí trên đường Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: TUẤN HUY 

Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính-kinh tế với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc-Nam, các hành lang kinh tế Đông-Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp-đô thị-dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu các định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, về định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh); vùng động lực phía Nam (TP Hồ Chí Minh-Bình Dương-Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam-Quảng Ngãi) và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên. 

Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã dự báo tổng nhu cầu và cơ cấu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch, xây dựng hệ thống giải pháp để huy động nguồn lực từ các khu vực kinh tế; đồng thời dự báo nhu cầu lao động cho nền kinh tế và đề xuất các giải pháp về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực. Trong các giải pháp về cơ chế, chính sách, quy hoạch nhấn mạnh ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng quy mô lớn của những vùng động lực quốc gia và thúc đẩy hình thành các hành lang kinh tế ưu tiên; bên cạnh đó, quan tâm những khu vực khó khăn, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Ngoài ra, quy hoạch cũng đề ra các giải pháp về phát triển khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường và tăng cường hợp tác quốc tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết