A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quân sự thế giới hôm nay (14-3): Triều Tiên tiếp tục bắn tên lửa đạn đạo

Quân sự thế giới hôm nay (14-3): Triều Tiên tiếp tục bắn tên lửa đạn đạo phản đối Mỹ và Hàn Quốc tập trận quy mô lớn; Anh, Mỹ, Australia thảo luận Hiệp ước AUKUS; Không quân Mỹ sẽ đặt hàng 200 máy bay chiến đấu thế hệ mới và 1.000 máy bay không người lái.

* Ngày 14-3, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên tiếp tục bắn 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển Nhật Bản trong khi liên quân Mỹ - Hàn đang tổ chức tập trận quy mô lớn kéo dài 11 ngày.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn đã được bắn đi từ Jangyeon thuộc tỉnh Nam Hwanghae vào 7 giờ 41 và 7 giờ 51 (giờ địa phương). Hai tên lửa nói trên đã bay một quãng đường 620 km trước khi rơi xuống biển.

Triều Tiên tiếp tục bắn tên lửa đạn đạo ra vùng biển Nhật Bản. Ảnh: La Prensa 

Trước đó, ngày 12-3 Bình Nhưỡng đã bắn tên lửa hành trình chiến lược từ một tàu ngầm. Đây là vụ bắn thử tên lửa lần thứ 7 trong năm 2023 của Triều Tiên. Tuần trước Triều Tiên cũng đã họp Quân ủy Trung ương mở rộng bàn thảo các biện pháp nhằm đáp lại bằng một “phản ứng chưa từng có” đối với cuộc tập trận của liên quân Mỹ - Hàn kéo dài đến hết ngày 23-3. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ gửi tàu sân bay hạt nhân tham gia cuộc tập trận trong những ngày tới.

Bán đảo Triều Tiên hiện đang trong giai đoạn căng thẳng gia tăng cao độ, trong đó Bình Nhưỡng đã từ chối đề nghị quay lại đối thoại và liên tục bắn thử vũ khí còn liên quân Mỹ - Hàn thì tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Các chuyên gia cho rằng, sự thiếu thiện chí của các bên trong tháo gỡ khó khăn, hạ nấc thang căng thẳng đang khiến nguy cơ xung đột ngày càng gia tăng và một tính toán sai lầm có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. 

* Không quân Mỹ đang có kế hoạch đặt hàng phát triển và sản xuất 200 chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 (NGAD). Theo Bộ trưởng Không quân Frank Kendall, chương trình NGAD là sáng kiến của Không quân Mỹ nhằm phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 và các hệ thống thiết bị, khí tài kèm theo. Hiện chưa có bất cứ thông tin nào được tiết lộ liên quan thế hệ máy bay mới nhất này, nhưng đây là lần đầu tiên Không quân Mỹ xác định rõ con số máy bay lực lượng này sẽ đặt hàng phát triển và sản xuất.

Bản concept của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 do Lockheed Martin đưa ra. Ảnh: Lockheed Martin 

Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng sẽ bổ sung thêm 1.000 máy bay không người lái. Mỗi máy bay chiến đấu thế hệ mới sẽ được hỗ trợ tác chiến bởi 2 máy bay không người lái trong số này. Ngoài ra, máy bay không người lái cũng có nhiệm vụ bay tác chiến cùng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II. Tổng số 1.200 máy bay có người lái và không người lái theo đơn đặt hàng sẽ tạo thành mũi nhọn tấn công cực mạnh cho lực lượng Không quân Mỹ trong tương lai.

* Australia sẽ tham gia chương trình nghiên cứu và phát triển tàu ngầm hạt nhân. Đây là một trong những nội dung tâm điểm của cuộc họp thượng định AUKUS giữa 3 nhà lãnh đạo Vương quốc Anh, Mỹ và Australia.

Ngày 13-3 (giờ Mỹ), Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã nhóm họp tại San Diego với mục đích thảo luận về Hiệp ước AUKUS. Theo nội dung thảo luận, Australia sẽ trở thành đối tác trong dự án tàu ngầm SSN(R) của Hải quân Hoàng gia Anh. Đây là giải pháp về tương lai dài hạn khả thi nhất, dựa trên sức mạnh tổng hợp theo các mốc thời gian tương ứng. Về trung hạn, Mỹ đã đồng ý bán ít nhất 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia đã qua sử dụng cho Australia, giúp tăng cường năng lực tác chiến trước mắt cho lực lượng tàu ngầm nước này vốn hiện tại mới chỉ có và đang vận hành 7 chiếc tàu ngầm. 

Australia sẽ mua tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ. Ảnh: Navy Lookout 

Mỹ hiện cũng đang có tham vọng mở rộng lực lượng tàu ngầm của mình nhưng năng lực công nghiệp quốc phòng hiện nay còn chưa đủ đáp ứng yêu cầu này, dẫn đến những khúc mắc giữa việc bán tàu cho Hải quân hoàng gia Australia và tăng cường năng lực cho lực lượng tàu ngầm Mỹ. Để giảm thiểu khúc mắc, Australia được cho là sẽ đầu tư ngay lập tức 1 tỷ USD vào các xưởng đóng tàu ngầm của Mỹ để giúp gia tăng năng suất sản xuất.

SSN(R) là dự án phát triển và đóng mới tàu ngầm hạt nhân cho Australia với mục đích bàn giao chiếc tàu ngầm đầu tiên cho Hải quân hoàng gia vào cuối những năm của thập kỷ 2030 và chiếc đầu tiên được đóng ngay tại Australia sẽ được bàn giao vào năm 2040. Với việc Australia đã chính thức tham gia chương trình, người ta hy vọng rằng tàu ngầm hạt nhân mới sẽ được mang một cái tên khác, dễ nhớ và truyền cảm hứng nhiều hơn là cái tên “SSN-AUKUS”.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật