A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Phát huy vai trò của lực lượng đi đầu

Xác định đấu tranh tư tưởng, lý luận là một nội dung đột phá, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, Học viện Chính trị luôn chú trọng phát huy vai trò, trí tuệ, đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Trung tướng Phạm Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Chính trị về vấn đề này.

Tăng "sức đề kháng", "miễn dịch" qua từng bài giảng

Phóng viên (PV): Để đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên tham gia hiệu quả vào đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Học viện Chính trị đã triển khai những giải pháp ưu tiên nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, xuyên suốt, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ đó, cùng với triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp cả về cơ chế, cách thức, phương pháp tổ chức đấu tranh, đầu tư trang thiết bị, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, Học viện luôn chú trọng phát huy trí tuệ, đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên; thường xuyên quan tâm, giáo dục, động viên, khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy tính tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ đấu tranh gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; lấy kết quả đấu tranh là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, bình xét thi đua-khen thưởng.

Trung tướng Phạm Tiến Dũng. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG 

Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện và cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cập nhật sự phát triển của hệ thống lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường hoạt động cung cấp thông tin, định hướng đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động. Bên cạnh đó, duy trì nền nếp các chế độ thông báo thời sự hằng tháng, sinh hoạt ngày Đảng, ngày chính trị-văn hóa tinh thần, sinh hoạt học thuật; mời chuyên gia, báo cáo viên kịp thời thông tin chuyên đề, định hướng tư tưởng phục vụ nhiệm vụ giáo dục- đào tạo gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường công tác quản lý tư tưởng, chú trọng khâu đánh giá, dự báo tình hình, nhất là tư tưởng chính trị, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, chủ động phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Quá trình thực hiện, Học viện chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm triển khai nhanh chóng, đồng bộ. Trong năm, Học viện tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 4.000 lượt cán bộ, giảng viên, học viên; tổ chức 25 buổi thông tin khoa học; Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 35 Đảng ủy Học viện ban hành 48 thông báo hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và định hướng đấu tranh...

Các giải pháp đó đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn Học viện, nâng cao sức đề kháng, khả năng tự miễn dịch, phát huy cao độ trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên tham gia, đi đầu thực hiện đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

PV: Thưa đồng chí, công tác đấu tranh được cụ thể hóa như thế nào trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, học viên?

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Học viện chú trọng lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong nội dung giáo dục-đào tạo, từng chuyên đề, bài giảng và các hình thức sau bài giảng của từng môn học. Đội ngũ giảng viên chủ động nghiên cứu, nắm vững đặc điểm của đối tượng, thường xuyên cập nhật những vấn đề mới về lý luận, thực tiễn trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, cập nhật thông tin mới, đấu tranh vạch trần những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch và phần tử chống đối, cơ hội chính trị vào nội dung của chuyên đề, bài giảng. 100% nội dung hội thảo, nghiên cứu chuyên đề, viết tiểu luận, thu hoạch, thi, kiểm tra đều phải gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận.

Công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng; chú trọng định hướng nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, cung cấp luận cứ, luận chứng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động giáo dục-đào tạo với nghiên cứu khoa học và yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Học viện. Chính vì vậy đã khuyến khích cán bộ, giảng viên, học viên tham gia nghiên cứu, viết báo khoa học, đấu tranh kịp thời, có sức thuyết phục với những luận điệu xuyên tạc.

Năm 2022, Học viện triển khai nghiên cứu 1 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ, 10 đề tài cấp ngành, 53 đề tài cấp Học viện; hàng trăm đề tài, chuyên đề cấp phòng, khoa, hệ và của học viên; phối hợp với Ban chỉ đạo 35, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của Quân đội trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay”; tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ngoài ra, các phòng, khoa, hệ tổ chức 9 cuộc hội thảo khoa học; có 271 bài báo khoa học của cán bộ, giảng viên, học viên Học viện đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài Quân đội.

Lãnh đạo Học viện Chính trị và các đại biểu tham quan khu trưng bày Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Học viện lần thứ VI (2022-2027). 

Tuyệt đối không lơ là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn

PV: Duy trì chặt chẽ, thường xuyên hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những biện pháp để giữ lửa và truyền lửa tinh thần đấu tranh. Quan điểm của đồng chí về nội dung này như thế nào?

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Đúng vậy, hoạt động đấu tranh của Học viện duy trì chặt chẽ, thường xuyên, được đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên tự giác, tích cực hưởng ứng, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong nội dung, phương pháp tiếp cận, hình thức thể hiện. Qua đó, số lượng, chất lượng bài đấu tranh, lượng tương tác trên các fanpage, blog ngày càng được nâng lên.

Từ đầu năm đến nay, các trang mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị đăng gần 20.000 bài viết, xây dựng hàng chục video clip đấu tranh. Tiêu biểu trong năm, Học viện tham gia Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ nhất, có 1 tác phẩm đoạt giải Ba. Tại cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ 2, Học viện tổ chức chặt chẽ, hiệu quả với 1.257 bài của các tác giả, nhóm tác giả tham gia, có 23 tác phẩm được trao giải cấp Học viện; trong số 16 tác phẩm gửi dự thi cấp toàn quân có 9 tác phẩm đoạt giải (3 giải A, 3 giải B, 2 giải C, 1 giải khuyến khích); 1 tác phẩm đoạt giải B cấp toàn quốc. Kết quả trên khẳng định ý thức trách nhiệm cao, trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời thể hiện trình độ, năng lực, trách nhiệm chính trị của Học viện với chế độ, với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.

PV: Để tiếp tục tham gia hiệu quả vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Học viện có những chủ trương, biện pháp gì, thưa đồng chí?

Trung tướng Phạm Tiến Dũng: Cùng với đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên, nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với tăng cường bồi dưỡng năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong nghiên cứu khoa học, tập trung làm sâu sắc hơn những nguyên lý, lý luận cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ động định hướng, khuyến khích đăng ký, tổ chức nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng.

Bám sát tình hình thực tiễn và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, Học viện thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phù hợp với sự phát triển của internet, nhất là với các nền tảng mạng xã hội mới và đối tượng sử dụng. Tăng cường xây dựng video clip để chuyển tải các bài viết đấu tranh chuyên sâu, chất lượng tốt, có sức thuyết phục, tạo hiệu ứng tích cực trên không gian mạng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các đồng chí giảng viên, cán bộ nghiên cứu nhiều kinh nghiệm trong tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên phương tiện truyền thông đại chúng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết