A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn học nghệ thuật góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt - Nga

Những tác phẩm văn học, bài hát, bộ phim... của Liên Xô trước đây đã làm say lòng bao lớp công chúng Việt Nam. Ngày nay, văn nghệ tiếp tục góp phần tăng cường hiểu biết, thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga.

Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với ngài Gennady Stepanovich Bezdetko, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam.

Kết nối văn hóa, làm sâu sắc tình hữu nghị

Phóng viên (PV): Ngài Đại sứ cho biết về vị trí, vai trò của văn nghệ trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta?

Đại sứ G. S. Bezdetko: Văn nghệ là phương tiện kết nối một cách sâu sắc hơn các nền văn hóa, các phong tục tập quán, ngôn ngữ của các dân tộc với các nước khác, đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ. Thông qua các tác phẩm đặc sắc, chúng ta có cơ hội giao tiếp với tác giả từ các thời đại và quốc gia khác nhau.

 Đại sứ Gennady Stepanovich Bezdetko.

Chúng ta biết rằng, ở Việt Nam ngày nay cũng như trước đây, văn học Nga cổ điển, hiện đại và thậm chí cả cổ đại, đã có một lượng độc giả hâm mộ đáng kể và tiếp tục thu hút sự quan tâm của độc giả ở các lứa tuổi và ngành nghề khác nhau. Điều đó một lần nữa minh chứng cho sự gần gũi, hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ giữa nhân dân của chúng ta.

Văn học Nga bắt đầu được dịch hàng loạt sang tiếng Việt vào thế kỷ trước, và không chỉ những tác phẩm kinh điển vĩ đại là một phần không thể tách rời của văn hóa thế giới nói chung, như của A. Pushkin, F. Dostoevsky, L. Tolstoy, M. Lermontov, A. Blok , I. Bunin..., mà còn là những cuốn sách hiện đại thời bấy giờ được viết theo thể loại hiện thực xã hội chủ nghĩa như “Thép đã tôi thế đấy” của N. Ostrovsky, “Sống mà nhớ lấy” của V. Rasputin. Những tác phẩm này đã trở nên nổi tiếng ở Việt Nam do tính liên quan của những câu chuyện được mô tả. 

Các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc (các ca khúc của A. Pakhmutova, M. Tariverdiev), điện ảnh (các bộ phim kinh điển “Khi đàn sếu bay qua”, “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”, “Moskva không tin vào nước mắt”) đi sâu vào trí nhớ của công chúng Việt Nam. Các tác phẩm này thường xuyên được biểu diễn, trình chiếu trên sân khấu, phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Đoàn nhà văn Nga và công chúng Việt Nam trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội lần thứ VIII, tháng 10-2023. Ảnh: HOÀNG ANH 

Tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng Việt Nam được dịch và xuất bản ở Liên Xô như tác phẩm của các nhà văn: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nam Cao được viết trước cách mạng năm 1945 và trong thập kỷ đầu tiên sau khi giành được độc lập. Trong những năm 1980, những tập truyện cổ tích của các dân tộc Việt Nam được xuất bản bằng tiếng Nga. Dù từ đó đến nay chưa được tái bản nhưng mỗi học giả Việt Nam đều cẩn thận cất giữ những cuốn sách này trong bộ sưu tập cá nhân của mình. Các lĩnh vực nghệ thuật khác của Việt Nam cũng được biết đến ở Liên bang Nga thông qua những hoạt động giao lưu hữu nghị.

PV: Sau khi Liên Xô tan rã cách đây hơn 30 năm, giao lưu, hợp tác văn học nghệ thuật nói riêng và rộng ra là văn hóa, không còn được như trước đây. Đâu là nguyên nhân chủ quan và khách quan, thưa ngài?

Đại sứ G. S. Bezdetko: Tôi chỉ có thể đồng ý một phần với điều này. Đúng vậy, có sự suy giảm nhất định về sở thích thưởng thức các tác phẩm văn thuật kinh điển; phần lớn là do xu hướng thời đại: Văn hóa tiêu dùng phát triển mạnh, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại và việc áp dụng rộng rãi “tư duy clip” đã làm giảm đáng kể số lượng độc giả sẵn sàng đọc những tác phẩm kinh điển mà yêu cầu nỗ lực trí tuệ. Hiện nay đây là một vấn đề toàn cầu chứ không chỉ liên quan riêng đến văn nghệ Nga.

Bất chấp sự suy giảm, hai nước chúng ta vẫn đang thực hiện các dự án hợp tác khá thành công. Trong hơn 10 năm (kể từ năm 2012), những dịch giả giỏi nhất Việt và Nga đã làm việc trong “Dự án Dịch thuật và Xuất bản Tổng thống”, do Nhà xuất bản Lokid Premium thực hiện từ phía Nga với sự hỗ trợ tài chính của Ngân hàng VTB. Trong khuôn khổ dự án này, các dịch giả đã tiến hành dịch thuật, xuất bản sang tiếng Việt và tiếng Nga các tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại của hai nước. Tổng cộng, trong thời gian qua, 40 tác phẩm đã được in và xuất bản với số lượng phát hành là 1.000 bản sách/đầu sách. Dự án về cơ bản là từ thiện. Những cuốn sách này sau khi được xuất bản sẽ được tặng miễn phí cho các trường học và đại học dạy tiếng Nga tại Việt Nam.

Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga thường xuyên tổ chức các sự kiện nhằm giúp đông đảo độc giả Việt Nam làm quen với văn nghệ Nga. Ví dụ, năm nay, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga đã tiến hành một loạt bài giảng, dạ hội và triển lãm dành riêng cho Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ R. Gamzatov.

PV: Một số người yêu quý nước Nga nhận xét rằng, việc tổ chức các hoạt động quảng bá văn nghệ Nga ở Việt Nam chưa tương xứng với vị trí nền văn học nghệ thuật vĩ đại này, chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của công chúng trẻ Việt Nam. Ngài nghĩ sao về thực tế này?

Đại sứ G. S. Bezdetko: Sự quan tâm của giới trẻ là nguồn lực vô giá cần được phát huy tối đa. Nó giúp chúng ta vượt qua mọi khoảng cách và góp phần gắn kết tinh thần giữa các dân tộc chúng ta. Một ví dụ nổi bật là chuyến đi Việt Nam mới đây của một nhóm nhà văn Nga đương đại nổi tiếng do Viện Dịch thuật tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan liên bang về Cộng đồng các quốc gia độc lập, đồng bào sống ở nước ngoài và hợp tác nhân văn quốc tế (Rossotrudnichestvo). Trong các thành viên của phái đoàn gồm có nhà văn nổi tiếng thế giới E. Vodolazkin-tác giả cuốn sách bán chạy nhất “Laurus”, nhà văn, nhà thơ, Tổng biên tập Báo Văn học Nga M. Zamshev, nhà thơ E. Chigrin, nhà thơ và dịch giả A. Strokina, nhà sử học, nhà văn hóa học A. Esparza.

Họ đã có một chương trình khá bận rộn với những bài giảng, các buổi gặp gỡ văn chương, những cuộc trò chuyện thân thiện. Phái đoàn mang theo bộ sưu tập sách phong phú bằng tiếng Nga, được trưng bày tại gian hàng riêng như một phần của cuộc triển lãm bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Các chương trình trên đã làm dấy lên sự quan tâm rất lớn của người dân thành phố. Gian hàng này đã được hai Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang cùng các khách mời danh dự khác đến tham dự.

Tôi có thể tưởng tượng được đôi khi khó khăn như thế nào để thu hút giới trẻ hiểu và quan tâm đến các tác phẩm kinh điển. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, các tác phẩm hiện đại có thể trở thành cầu nối nền sáng tạo giữa hai quốc gia.

Đẩy mạnh hợp tác về văn học nghệ thuật

PV: Hiện nay, có nhiều tổ chức và cá nhân Việt Nam vì tình yêu với Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay, vẫn tự nguyện âm thầm quảng bá, giới thiệu văn học nghệ thuật Nga tới công chúng Việt Nam. Vì là những nỗ lực đơn lẻ nên gặp khá nhiều khó khăn, phía Liên bang Nga liệu có ý định hợp tác và hỗ trợ?

Đại sứ G. S. Bezdetko: May mắn thay, nhiều người ở Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, thực sự vô giá cho việc quảng bá văn nghệ Nga ở Việt Nam.

Trước hết, tôi muốn đề cập riêng đến những dịch giả xuất sắc này, những người bạn thân thiết của chúng tôi. Dịch giả Hoàng Thúy Toàn đã khởi xướng dự án dịch văn học mà tôi đã đề cập trước đó. Một nhân vật nổi bật không kém là dịch giả, Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi, người đã đào tạo nhiều thế hệ học giả. Ông là bậc thầy dịch thuật văn học nổi tiếng và được công nhận nhất. Dịch giả Lê Đức Mẫn cũng là một chuyên gia và người am hiểu thực sự về ngôn ngữ, văn hóa Nga. Những thành tựu mới nhất của ông bao gồm các bản dịch những tác phẩm nổi tiếng: “Anna Karenina” của L. Tolstoy và “Oblomov” của I. Goncharov. Cả hai cuốn sách hiện đang được chuẩn bị xuất bản ở Nga như một phần của dự án đã được đề cập ở trên. Dịch giả Nguyễn Thụy Anh, một chuyên gia xuất sắc về tiếng Nga, đã dành nhiều thời gian cho đứa con tinh thần yêu thích của mình-Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, nơi phổ biến việc đọc sách cho trẻ em, trong đó có văn học thiếu nhi của đất nước chúng tôi và tiếng Nga. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay bà đang phụ trách dự án biên soạn sách giáo khoa tiếng Nga cho trẻ em độ tuổi tiểu học của Nhà xuất bản giáo dục “Prosveshchenie”.

Về phần mình, chúng tôi chân thành biết ơn những người bạn Việt Nam vì sự cống hiến hết mình trong lĩnh vực văn nghệ khác và sẵn sàng hỗ trợ họ cũng như những người đam mê khác trong mọi khả năng có thể.

PV: Trong quan hệ hợp tác hữu nghị, cần có sự cân bằng. Bên cạnh dịch một số tác phẩm văn học Việt Nam và xuất bản ở Nga, đào tạo một số du học sinh Việt Nam theo học các ngành nghệ thuật ở cơ sở giáo dục nghệ thuật Nga, liệu trong tương lai hai nước chúng ta có thể tìm ra những công việc hợp tác nào trong lĩnh vực này?

Đại sứ G. S. Bezdetko: Tôi tin rằng, xét cho cùng, việc đào tạo các cán bộ có chuyên môn, cán bộ có quan tâm đến hợp tác sâu hơn với Việt Nam sẽ là điểm tựa chính cho sự phát triển hơn nữa trong mối quan hệ của chúng ta ở bất kỳ lĩnh vực nào. Tôi lưu ý ngay rằng, trong những năm gần đây, số lượng sinh viên Việt Nam tại Nga đã tăng lên đáng kể, trong đó có lĩnh vực văn nghệ.

Tôi nhấn mạnh rằng, văn nghệ Việt Nam cũng được người Nga yêu thích, những người đôi khi không có mối liên hệ nào với Việt Nam. Cách đây vài năm, hai bản dịch tiêu biểu nhất của văn học cổ điển Việt Nam, “Truyện Kiều”, đã được xuất bản, một trong số đó do dịch giả Vũ Thế Khôi thực hiện, dưới dạng thơ tự do có chú thích chi tiết về lịch sử, văn hóa. Tôi biết rằng cuốn sách này đã khơi dậy được sự quan tâm thực sự của đông đảo độc giả Nga. Trên kệ các hiệu sách ở Nga, bạn còn có thể tìm thấy bản dịch vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam-vở kịch “Chén thuốc độc” của nhà viết kịch Vũ Đình Long.

Tất nhiên, tất cả những sự thật này một lần nữa khẳng định rằng, để tiến hành công việc hiệu quả và biến nó thành thực tế, cần có những điều kiện vật chất nhất định, có thể được cung cấp thông qua các khoản trợ cấp và học bổng. Tôi tin rằng ngân sách từ nhà nước và nguồn lực khối tư nhân đều có thể đóng vai trò là nhà tài trợ.

PV: Trân trọng cảm ơn ngài Đại sứ!


Tags: Văn học
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật