Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việc trao đổi thông tin giữa cơ quan Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về tội phạm mua bán người là cần thiết

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 24-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Tội phạm mua bán người không chỉ lợi dụng cửa khẩu quốc tế để hoạt động

Góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, đại biểu Đoàn An Giang đề cập đến Điều 9 của dự thảo luật quy định về quản lý an ninh, trật tự. 

Trong đó, Khoản 5 điều này hiện quy định: Trang bị các phương tiện kỹ thuật tại các cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc nhận dạng người và phát hiện nhanh chóng, chính xác các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo; nâng cấp các trang thiết bị kiểm soát, kiểm tra tại các chốt kiểm soát, cửa khẩu.

 Chủ tịch nước Tô Lâm, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cùng các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. 

Góp ý về quy định trên, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho rằng, tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng không chỉ lợi dụng cửa khẩu quốc tế để hoạt động mà còn triệt để lợi dụng các trang bị, phương tiện kỹ thuật còn hạn chế ở các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, lối mở, lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua biên giới để hoạt động, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Do đó, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị nghiên cứu chỉnh lý nội dung điều này theo hướng không chỉ quy định riêng với cửa khẩu quốc tế mà cần quy định chung cho các loại cửa khẩu để bảo đảm phù hợp.

"Khái niệm cửa khẩu đã bao gồm cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không và trong cửa khẩu có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ và cũng là để bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập cảnh", đại biểu phân tích.

Trách nhiệm trao đổi thông tin về phòng, chống mua bán người giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thế nào?

Đáng chú ý, đề cập đến Điều 12 dự thảo luật về trao đổi thông tin để quản lý hoạt động xuất nhập cảnh, đại biểu Hoàng Hữu Chiến nói, dự thảo luật mới quy định cơ quan có thẩm quyền phòng, chống tội phạm mua bán người thuộc Bộ Công an có trách nhiệm trao đổi thông tin cho cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng để thực hiện công tác phòng, chống mua bán người. 

"Như vậy, dự thảo chưa quy định việc trao đổi thông tin của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng với các cơ quan thuộc Bộ Công an về phòng, chống buôn bán người. Bởi lẽ, Bộ Quốc phòng cũng có các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và cơ quan chuyên trách quản lý cửa khẩu và xuất nhập cảnh, nên việc trao đổi thông tin tội phạm giữa các cơ quan chức năng của hai Bộ là hết sức cần thiết và hiện nay giữa lực lượng này của hai Bộ đã có các quy chế phối hợp và đang thực hiện rất hiệu quả", đại biểu nêu rõ.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm nội dung của Điều 12 như sau: Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm, Cơ quan quản lý cửa khẩu xuất nhập cảnh của Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin về đối tượng có tiền án, tiền sự về mua bán người và các đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi mua bán người cho cơ quan có thẩm quyền phòng, chống tội phạm mua bán người thuộc Bộ Công an để thực hiện công tác phòng, chống mua bán người.

Quy định như vậy bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật và đúng với cơ chế phối hợp đang thực hiện theo Nghị định số 03/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa hai Bộ có quy định: Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trao đổi với Bộ Công an những thông tin, tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Các lực lượng phòng, chống tội phạm của Bộ Quốc phòng vừa phòng ngừa, vừa đấu tranh với tội phạm mua bán người 

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến cũng góp ý về Điều 50 dự thảo luật liên quan đến trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người ở địa bàn khu vực biên giới, hải đảo. 

Đại biểu cho biết, hiện nay, liên quan đến nội dung này, tại Điều 6, Điều 7 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật xác định như sau: Ở Trung ương thì Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phổ biến, giáo dục pháp luật; bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; UBND các cấp tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi và chủ trì, phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở khu vực biên giới, ven biển và hải đảo. 

Từ đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định để bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật và phù hợp với Điều 54, Điều 60 của dự thảo luật này về trách nhiệm của Bộ Tư pháp và UBND các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Tài khoản 3, Điều 50, đại biểu đề nghị chỉnh lý từ "phòng ngừa" thành "phòng, chống" và bổ sung cụm từ theo quy định của pháp luật; bởi theo đại biểu, các lực lượng phòng, chống tội phạm của Bộ Quốc phòng, trong đó có phòng, chống tội phạm buôn bán người, không chỉ áp dụng công tác phòng ngừa mà còn thực hiện các biện pháp đấu tranh nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính, khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật.

Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung để bảo đảm đúng với nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này thuộc Bộ Quốc phòng, vừa làm công tác phòng ngừa, vừa làm công tác đấu tranh phòng, chống với loại tội phạm mua bán người. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật