A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xung lực mới của sự nghiệp đổi mới

Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, sáng 8-10, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Thành công của hội nghị minh chứng cho ý chí, quyết tâm rất cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những vấn đề lớn, hệ trọng, nhằm tạo động lực mới, xung lực mới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương đã đề cao trí tuệ, trách nhiệm; tập trung thảo luận nhiều nội dung thể hiện sâu sắc quyết tâm đổi mới đồng bộ các nhân tố, thành tố của công cuộc đổi mới.

Trong đó, Trung ương tập trung giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm chính sách an sinh xã hội; giữa thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữa xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển lực lượng trí thức của đất nước với bảo đảm chế độ, chính sách, nhất là hiện thực lộ trình cải cách tiền lương mới; việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc... Tất cả phần việc đó thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Ban Chấp hành Trung ương trong việc vận dụng sáng tạo lý luận nền tảng vào thực tiễn cách mạng mới.

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: TTXVN 

Với tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng, trước nhân dân, Ban Chấp hành Trung ương tập trung thảo luận, tổng kết nhiều nghị quyết quan trọng được ban hành từ các nhiệm kỳ trước. Kết quả tổng kết minh chứng rằng, các nghị quyết của Đảng đã hoạch định đường lối, chủ trương lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, sát với thực tiễn và nhiều nội dung còn nguyên giá trị ở thời điểm hiện tại.

Qua tổng kết, Trung ương kịp thời nhận diện khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục hiệu quả. Đó cũng là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục hoàn thiện chủ trương lãnh đạo trong thời gian tới.

Việc tiến hành đánh giá, tổng kết nghị quyết cũng là dịp nghiêm túc rút kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời là cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án, dự án tổ chức thực hiện của Chính phủ, các địa phương và cơ quan liên quan, đặc biệt là việc huy động nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong những năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội XIII với tinh thần bứt tốc cán đích các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Không chỉ thống nhất ban hành những chủ trương lãnh đạo đúng đắn, thể hiện trí tuệ và tầm nhìn của Đảng, vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Trung ương còn dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ thực hiện quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026-2031 - bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược của Đảng trong thời kỳ cách mạng mới.

Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương còn quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; bầu bổ sung nhân sự Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ... Đây là những phần việc hệ trọng nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ kế tiếp.

Với ý nghĩa to lớn của hội nghị, để nhanh chóng thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, trước hết, các cấp ủy, trực tiếp là bí thư cấp ủy cần nhận thức đúng, quyết tâm cao, nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt một cách sáng tạo, thực chất.

Trong đó, người đứng đầu, cán bộ chủ trì phải thực hành nêu gương ngay chính từ việc học tập, triển khai nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này; đồng thời có giải pháp phát huy sức mạnh đoàn kết trong Đảng, hệ thống chính trị, làm cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chủ trương, giải pháp vừa được ban hành.

Trong đó, đối với các chủ trương, giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, cần phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội. Qua đó hình thành, xây dựng một xã hội học tập rộng khắp, thực chất; kết hợp với xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến học, khuyến tài, trọng dụng hiền tài, trí thức...

Đối với nhiệm vụ trọng yếu là bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để từng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức rõ trách nhiệm công dân đối với nhiệm vụ thiêng liêng này. Bảo vệ Tổ quốc cần được thực hiện với sự tham gia của mọi lực lượng, giai tầng xã hội; hiện thực bằng tư duy mới, với nội hàm bảo vệ Tổ quốc bao quát, rộng lớn hơn. Trong điều kiện mới, phải thực hiện bảo vệ Tổ quốc cả trên thực địa, trên không gian mạng và cả ngoại giao quốc tế...; cần nhất quán bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; đồng thời nỗ lực góp phần quan trọng vào việc bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; được nhân dân đùm bọc, yêu thương, trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, cường thịnh.

Trong điều kiện mới, quán triệt, triển khai các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Đảng bộ Quân đội nguyện đem hết tài năng, trí tuệ, gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật