A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 3: Những “đại sứ” văn hóa ở thôn làng

Muốn là thôn làng văn hóa, trước tiên đó phải là những thôn làng đoàn kết, không tranh chấp, mâu thuẫn. Bằng phẩm chất và uy tín của mình, các trưởng thôn chính là người quan trọng giúp củng cố bền chặt hơn mối quan hệ với nhân dân và trong nhân dân. Họ cùng nhân dân xây dựng đời sống văn hóa giàu đẹp bằng lối ứng xử có lý, có tình.

Những người ở trong dân

Trưởng thôn là chức vụ được bầu ở các khu vực nông thôn, hoạt động theo cơ chế thôn làng, được cộng đồng bầu ra, dựa trên sự tin tưởng, kính trọng. Vì thế, khi chọn tiếp cận vai trò của trưởng thôn dưới góc độ văn hóa, chúng tôi được ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội giải thích: “Nâng cao năng lực công tác và uy tín của trưởng thôn sẽ là yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong phong trào xây dựng thôn làng văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn thành phố”.

Đến nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy trưởng thôn không chỉ sát dân mà thậm chí họ còn là những người ở trong dân. Tính theo mối quan hệ trong làng, gia đình ông Đinh Bá Cương (Trưởng thôn Víp, xã Minh Quang, huyện Ba Vì) có tới 2/3 là họ hàng. Nói đây là thuận lợi cũng đúng nhưng nói là khó khăn cũng không sai. Bởi lẽ, trưởng thôn muốn vì việc chung thì không thể thiên vị họ tộc. Hơn nữa, ở làng, ở xã anh có thể là người có tiếng nói, có địa vị nhưng trong họ tộc có khi vai vế lại thấp hơn người nọ, người kia. Nếu không khéo léo giải quyết hài hòa các mối quan hệ họ mạc, việc công sẽ khó làm. Tuy nhiên, với ông Đinh Bá Cương đây lại là một lợi thế lớn để ông vận động nhân dân. Khi được đông đảo họ hàng ủng hộ, cùng làm gương, công việc trưởng thôn của ông cũng thuận lợi. Nói về người họ hàng của mình, ông Đinh Ngọc Thu cho biết: “Thôn đông dân không thể tránh những va chạm nhà nọ với nhà kia, người nọ với người kia nhưng ông Cương vẫn khéo léo giữ được sự đoàn kết trong thôn rất cao. Nhìn chung đã là người uy tín trong làng thì trong họ mạc cũng là người uy tín. Người trong hay ngoài họ đều ủng hộ những việc làm của ông Cương”.

Bà Đỗ Thị Chanh và người dân thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm bên ngôi đình mới được sửa sang. 

Bên cạnh đó, chính các trưởng thôn cũng biết tạo cho mình những mối quan hệ thân thiết với nhân dân. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn Sài Khê (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) chia sẻ: “Trưởng thôn cần có nhiều kỹ năng làm việc, nhưng có một điều chắc chắn là không tâm huyết, không chân thành thì nói không ai nghe, không ai ủng hộ”. Ở thôn Sài Khê, đội ngũ “chân rết” của trưởng thôn hoạt động rất tích cực, tất cả công việc của thôn làng đều được bàn bạc và khi thực hiện họ đoàn kết, thống nhất cao. Bà Nguyễn Thị Tuyết, người dân thôn Sài Khê bày tỏ: “Tuy cậu Dũng ít tuổi nhưng rất khéo léo động viên mọi người trong công việc. Vì thế mà anh chị em đều hiểu và quý mến nhau. Chúng tôi coi cậu ấy như người em trong gia đình và những việc chúng tôi làm cũng như chúng tôi giúp em của mình vậy”.

Tương tự, khi gặp các bà, các chị trong thôn, bà Đỗ Thị Chanh, Trưởng thôn Thuận Tốn (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) cũng luôn chia sẻ tâm niệm của mình: “Em nghỉ công việc chung thì em cũng là một công dân trên địa bàn thôn, xã mình”. Có lẽ nhờ suy nghĩ đó mà bà luôn cố gắng hết sức để trở thành một công dân tốt, đồng thời giúp bà thấu hiểu hơn những tâm tư, tình cảm của nhân dân. Ông Lê Xuân Thường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đa Tốn nhìn nhận: “Xuất phát từ một giáo viên, lại làm công tác quản lý nên cách thức ứng xử, vận động, giải quyết vấn đề... của bà Đỗ Thị Chanh đem lại hiệu quả cao. Bà đã kêu gọi xã hội hóa các công trình phục vụ đời sống văn hóa cho người dân như đình, miếu, sân vui chơi... với số tiền hơn 5 tỷ đồng; vấn đề vệ sinh môi trường, việc gắn biển số nhà... gây bức xúc đều được giải quyết thấu tình, đạt lý. Bà Chanh là người nắm bắt kỹ từng địa điểm, từng hộ gia đình để đưa ra những phương án phù hợp nên các vấn đề đều được giải quyết nhanh chóng. Khi gặp vấn đề gì khó thì bà cũng kịp thời xin ý kiến tập thể và các cấp lãnh đạo để tìm phương án giải quyết phù hợp”. 

Sống hòa nhã, làm đến nơi đến chốn

Có thể nói, duy trì tình làng nghĩa xóm, ứng xử văn hóa là "chìa khóa" để trưởng thôn giành được cảm tình từ nhân dân và để thực hiện tốt công việc. Thôn Châu Phong (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) phát triển kinh tế nhờ làng nghề mộc. Vốn dĩ người dân bận bịu hơn để chăm lo cho nghề, phát triển kinh tế, thế nhưng cách đây vài năm, chúng tôi có nghe một số đồng nghiệp báo chí kể chuyện tranh cãi, kiện tụng giữa người dân với trưởng thôn. Vụ việc đã được đưa lên cả mặt báo. Vì thế, quyết không hẹn trước, chúng tôi đến Châu Phong tìm hiểu thì được dân làng cho biết, những kiện tụng tương tự như thế không còn kể từ khi bầu trưởng thôn mới là ông Phan Văn Thành. Ông Ngô Văn Nam, Phó chủ tịch UBND xã Liên Hà chia sẻ: “Cả 8/8 thôn của xã hiện nay đều không có khiếu kiện. Xã đã hoàn thành nông thôn mới nâng cao từ năm 2021 và hiện giờ đang triển khai nông thôn mới kiểu mẫu”.

Nhiều năm làm công tác trưởng thôn, ông Đinh Bá Cương cho rằng, câu “thần chú” của mình là “sống hòa nhã, làm đến nơi đến chốn”. Làm việc “vác tù và hàng tổng” nhưng ông không bao giờ cáu bẳn, mà luôn lựa lời nói chuyện hòa nhã với dân. Ông Nguyễn Mạnh Thước, Phó chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Ba Vì, nhận xét: “Ông Đinh Bá Cương làm trưởng thôn từ năm 2011 đến nay đã chứng tỏ là một cán bộ có năng lực, sâu sát, có tiếng nói và uy tín trong nhân dân. Tất cả nhiệm vụ UBND giao, ông đều hoàn thành tốt”. 

Ở thôn Thuận Tốn, bà Đỗ Thị Chanh cũng được người dân hết lời khen ngợi nhờ cách ứng xử thấu tình, đạt lý. Nhiều người trong thôn còn nhớ câu chuyện cách đây vài năm. Khi ấy, 5 giờ sáng, nhà bà Chanh đã có tiếng đập cửa: “Bà Chanh ơi, bà sang ngay nhà ông Tuế đi, bên đó bố con họ đang đập phá đồ kìa”. Mắt nhắm mắt mở, vội vội vàng vàng chạy sang nhà hàng xóm, bà Chanh nhanh chóng nắm rõ đầu đuôi là vì ông Nguyễn Văn Tuế bán nhà được 800 triệu đồng, rồi cho con trai 300 triệu đồng để chữa bệnh ung thư. Các con khác của ông Tuế cho rằng bố thiên vị cũng không nói với con... Thì ra bố con giận nhau vì có những lúc không để ý, quan tâm. Khi nắm rõ tình hình, bà tìm gặp cả ông Tuế và con ông để phân tích thiệt hơn. Nút thắt được tháo bỏ, gia đình hiểu và lại yêu thương nhau. Giờ đây ông Tuế đi đâu con cái cũng đèo đi nên vui mừng ra mặt. Cả gia đình ông luôn cảm ơn bà Chanh. Nhiều việc khác cũng vậy, vợ chồng, anh em, hàng xóm... xích mích, bà Chanh giúp họ gỡ rối, mọi việc được giải quyết ổn thỏa. Bà cho biết: “Vì tôi biết, khi đã mang vụ việc lên đến xã, nhiều người biết sẽ ì xèo, người trong cuộc không thoải mái, bản thân họ cũng cho rằng người kia thế mà lại đi kiện mình nên sự việc càng khó giải quyết”. Lắng nghe để hiểu dân, rồi đưa ra cách giải quyết vừa hợp lý, vừa có tình với những người trong cuộc nên Trưởng thôn Đỗ Thị Chanh đã giúp giải quyết sớm, từ trong nội bộ nhiều mâu thuẫn nên mọi việc khó trong thôn trở nên dễ dàng hơn. Hầu như trong thôn không có vụ việc nào phải mang lên xã hòa giải.

"5 năm từng làm trưởng thôn, tôi biết nhiều người làm vì danh dự cả dòng họ, gia đình, con cháu noi theo. Khi được tín nhiệm thì mình cũng phải như thế nào để đáp lại sự tín nhiệm đó. Có những lúc kinh tế khó khăn nhưng khi làm được việc gì cho dân, được tin yêu thì cảm thấy rất vui. Làm trưởng thôn được cái nhà nào có công việc gì cũng mời sang chung vui".

(ông Nguyễn Mạnh Thước, Phó chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Ba Vì)

(còn nữa)


Tags: văn hóa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết