A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đấu tranh với thủ đoạn buôn lậu xăng dầu trên biển

Trước cơn sốt giá nhiên liệu trên thế giới ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, các đối tượng gia tăng hoạt động buôn lậu xăng dầu để thu lợi bất chính. Vùng biển Tây Nam, nơi giáp ranh với các nước có mức giá nhiên liệu chênh lệch với Việt Nam, nhanh chóng trở thành “chợ đen” buôn bán trái phép xăng dầu.

Manh động và tinh vi

Đang trong quá trình tuần tra trên vùng biển Tây Nam, cách mép phía Bắc khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia khoảng 3,5 hải lý, Tàu Cảnh sát biển (CSB) 4035 phát hiện một tàu cá có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Ngay lập tức, tổ công tác ra tín hiệu yêu cầu dừng tàu để kiểm tra hành trình. Chiếc tàu cá KG 94793 TS khi thấy lực lượng CSB phát hiện đã nhanh chóng che đi 2 số cuối của số hiệu. Thiết bị giám sát hành trình trên tàu CSB cũng không ghi nhận được tín hiệu của tàu cá KG 94793 TS. Dù nhiều lần yêu cầu chủ tàu tắt máy thả trôi để tiến hành kiểm tra, chiếc tàu này vẫn tăng ga bỏ chạy, thậm chí khi tàu CSB áp sát, các thuyền viên trên tàu còn dùng nhiều hung khí như gậy, dao, mã tấu tấn công lại lực lượng chức năng.

Toàn bộ hình ảnh tại hiện trường được truyền trực tiếp qua vệ tinh về Bộ tư lệnh Vùng CSB 4. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu phức tạp, Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 đã điều động tàu đang thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển giáp ranh nhanh chóng cơ động lại hiện trường, phối hợp với Tàu CSB 4035 vây bắt chiếc tàu cá nghi vấn trên. Dù được lực lượng chức năng tuyên truyền và bị hai mũi gọng kìm khóa chặt, tuy nhiên tàu KG 94793 TS vẫn bất chấp, tăng ga bỏ chạy. Thậm chí thuyền viên trên tàu còn thả nhiều dây thừng dài hàng trăm mét ra sau lái nhằm mục đích cuốn vào, làm hư hỏng chân vịt, hệ thống lái của tàu CSB. Thấy cách này không hiệu quả, thuyền viên trên tàu cá còn mở van bình ga ném thẳng xuống biển trước mũi Tàu CSB 4035. Sau thời gian truy đuổi, thậm chí bắt buộc phải dùng các biện pháp mạnh như: Bắn pháo hiệu cảnh cáo và dùng vòi rồng phun nước kết hợp với tuyên truyền, thuyết phục... lực lượng chức năng đã khống chế được Tàu KG 94793 TS cùng 19 thuyền viên trên tàu cá.

Tổ công tác Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ tàu vận chuyển 100 nghìn lít dầu DO trái phép, ngày 26-3-2023. 

Đây chỉ là một trong rất nhiều tình huống chống đối mà cơ quan thực thi pháp luật phải đối mặt trên biển. Giá trị của mặt hàng xăng dầu lậu là rất lớn, thường từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi chuyến. Lợi nhuận cao khiến các đối tượng tìm mọi thủ đoạn để mua bán, vận chuyển trái phép. Điển hình như tàu mang số hiệu TG 92008 TS chở 100 nghìn lít dầu DO trái phép vừa bị Vùng CSB 4 bắt ngày 26-3. Thoạt nhìn, Tàu TG 92008 TS giống hệt như một chiếc tàu cá. Tuy nhiên, trên tàu không có bất cứ một ngư cụ nào, thay vào đó là ống hút, trụ bơm và những bể chứa đầy dầu DO. Bên cạnh các thiết bị bơm hút dầu được cất giấu trong khoang, chủ tàu này còn trang bị cả máy bơm chìm công suất cao để tiện cho việc mua nhanh, rút gọn.

Nói về các thủ đoạn của đối tượng buôn lậu xăng dầu DO trái phép, Trung tá Lê Văn Khánh, Trưởng phòng Trinh sát, Vùng CSB 4 cho biết: "Khi tiếp nhận xăng dầu từ những tàu không rõ số hiệu trên biển thì các đối tượng thường lợi dụng vào lúc đêm tối, tắt hết thiết bị theo dõi hoạt động của tàu mà theo quy định các phương tiện này phải có. Khi bị phát hiện thì kiên quyết bỏ chạy, nhiều đối tượng quá trình chạy là cắt mũi, thậm chí đâm va vào tàu của lực lượng thực thi pháp luật. Ngoài ra, các đối tượng còn dùng nhiều thủ đoạn khác như quay vòng hóa đơn chứng từ, sử dụng hóa đơn không hợp lệ, cá biệt có tàu còn vẽ lại số hiệu theo quy cách của tàu nước ngoài hoặc sử dụng thiết bị hiện đại giám sát tàu của lực lượng chức năng để dễ bề lẩn trốn”.

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm

Ở vùng biển Tây Nam, nạn buôn lậu xăng dầu luôn là chủ đề nhức nhối, nhất là thời điểm giá xăng dầu tăng cao. Điều đó đòi hỏi các cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 4 không chỉ nắm chắc được các thủ đoạn mới mà còn phải thường xuyên trau dồi nghiệp vụ để xử lý tốt tình huống trên biển. Để đối phó với những chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng, Vùng CSB 4 còn tăng cường lực lượng, phương tiện ngày đêm tuần tra, kiểm soát trên biển. Tàu được trang bị các loại radar hàng hải hiện đại hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết với tầm quan sát rộng để theo dõi mục tiêu.

Để các chuyến hàng trót lọt, các đối tượng phạm pháp còn mạnh tay mua chuộc, vì thế đòi hỏi lực lượng thực thi pháp luật phải luôn tỉnh táo trước các chiêu trò cám dỗ. Đại tá Nguyễn Văn Tranh, Phó tư lệnh Pháp luật Vùng CSB 4 cho biết: “Đơn vị luôn giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ phải xác định rõ trách nhiệm và xây dựng cho mình phẩm chất, đạo đức trong sáng. Chúng tôi luôn quán triệt, xây dựng ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là thực hiện nghiêm Chỉ thị 212 của Thường vụ Đảng ủy CSB về thực hiện Phong trào “4 tốt, 4 không, 4 chống”, tránh trường hợp bao che, tiếp tay, làm ngơ trước vi phạm của các đối tượng; không để cho đối tượng thao túng hoặc sử dụng vật chất cám dỗ”.

Theo các cán bộ, chiến sĩ CSB, những tàu buôn lậu dầu có những đặc điểm dễ nhận biết như: Tàu được trang bị nhiều phao chống va đập để thuận lợi trong việc cập mạn mua bán; thường không có ngư cụ đánh bắt hải sản mà thay vào đó là các đường ống cỡ lớn, máy bơm để sẵn trên tàu và hải trình thường xoay quanh các vùng biển giáp ranh với nước khác, không theo luồng tuyến đánh cá cố định. Dù thủ đoạn có tinh vi đến đâu cũng không qua mắt được các lực lượng thực thi pháp luật và việc các tàu buôn lậu liên tục bị bắt giữ cho thấy những thủ đoạn này đều đã bị lật tẩy. Minh chứng là từ đầu năm 2023 đến nay, riêng lực lượng Vùng CSB 4 đã bắt được 6 vụ/7 tàu, thu giữ khoảng 600 nghìn lít dầu DO bất hợp pháp, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh-trật tự trên các vùng biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.


Tags: buôn lậu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết