A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề phòng bệnh đau thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa còn được gọi là đau dây thần kinh hông to, là tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa do bị chèn ép hoặc tổn thương. Nếu không được chữa trị sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và sức lao động, lâu dần sẽ teo cơ dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.

Đau thần kinh tọa là hậu quả của sự chèn ép các rễ thần kinh thắt lưng, thường do các nguyên nhân: thoái hóa đốt sống, trượt đốt sống, viêm cơ dính khớp, thoát vị đĩa đệm, gai xương và thu hẹp ống tủy sống, có khối u trong cộng sống, nhiễm trùng hay do nâng nhấc vật nặng sai tư thế, ngồi sai tư thế, thường xuyên cúi gập, ngồi nhiều tại chỗ trong thời gian dài...

Khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và tìm phương pháp điều trị phù hợp. Ảnh: Đình Thi

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Khoa Châm cứu dưỡng sinh (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết, triệu chứng của bệnh đau dây thần kinh tọa chính là cảm giác đau đớn dọc theo dây thần kinh, từ thắt lưng qua mông và chạy xuống mặt sau cẳng chân đến gót chân và tận cùng của ngón út. Có trường hợp đau từ thắt lưng xuống mặt trước ngoài cẳng xuống mu bàn chân và tận cùng ở ngón chân cái, cơ mỏi hoặc yếu, đôi khi chỉ là cảm giác râm ran, châm chích, tê buốt từ thắt lưng xuống mông và dọc xuống mặt sau cẳng chân. Nặng hơn là các triệu chứng đau, nóng rát, tê cứng. Các triệu chứng thường rõ ràng khi đi lại, cúi người, ngồi lâu, ho, hắt hơi và cảm giác đỡ hơn khi nằm. Tùy từng thời điểm, mức độ nặng nhẹ mà cơn đau có thể nhức, buốt, nóng rát hoặc đau đớn cực độ; cảm giác chân yếu liệt, đi lại khó khăn hoặc nghiêm trọng hơn là không thể đi lại.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã tiếp nhận và điều trị trên 2.500 lượt người, trong đó bệnh nhân bị đau dây thần kinh tọa chiếm 25% tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị. Bệnh thường gặp ở người bệnh trong độ tuổi lao động, đặc biệt là lao động nặng, sai tư thế, nhân viên văn phòng, lái xe, thợ may, người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, béo phì, mỡ máu, gan nhiễm mỡ… phải ngồi quá lâu trong thời gian dài. Đa số bệnh nhân đến trong tình trạng đau nặng phải ngồi xe lăn.

Phương pháp châm cứu khá hiệu quả đối với bệnh nhân đau thần kinh tọa.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy khuyến cáo, để phòng bệnh đau dây thần kinh tọa, cần tập thể dục thường xuyên, nhẹ nhàng, không quá sức để nâng cao thể lực; áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai, khỏe mạnh của các khối cơ lưng cạnh cột sống, cơ bụng và tăng sự mềm mại của cột sống. Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý: hạn chế rượu, bỏ thuốc lá, giảm cân với những người thừa cân béo phì, tránh những căng thẳng quá mức về tâm lý. Không nên nằm đệm quá dày và mềm, giường lò xo. Các động tác sinh hoạt, lao động hằng ngày phải bảo đảm thích nghi với tình trạng đau cột sống thắt lưng. Bảo đảm đúng tư thế khi đứng, ngồi, mang vác hay nhấc vật nặng… Nếu công việc đòi hỏi phải ngồi lâu nên thỉnh thoảng đứng lên thay đổi tư thế và làm các động tác thể dục giữa giờ.          


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết