Hơn 98% thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông
Ngày 18-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Học sinh Vũ Thị Vân Anh, Lớp 12A5, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, tỉnh Nam Định là thủ khoa tốt nghiệp THPT năm 2023 với 57,3 điểm.
Căn cứ dữ liệu điểm do Bộ GD-ĐT công bố, với cách tính trung bình tất cả các môn, loại trừ môn bỏ thi hoặc không thi, năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc dẫn đầu cả nước với mức điểm trung bình là 7,219. Địa phương đứng thứ hai là tỉnh Bình Dương với 7,161 điểm; đứng thứ ba là tỉnh Nam Định với mức điểm 7,109. Xét về địa phương có nhiều thí sinh đạt điểm 10 nhất thì TP Hà Nội dẫn đầu tốp này với 1.215 em, tăng hơn 3 lần so với năm ngoái. Đứng ở vị trí tiếp theo là TP Hồ Chí Minh (1.013 em), thứ ba là tỉnh Thanh Hóa (916 em).
Thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hà Nội. |
Qua phân tích phổ điểm thi, môn Giáo dục công dân có nhiều điểm 10 nhất (14.693 điểm). Trong khi môn Văn chỉ có duy nhất một thí sinh ở Nam Định có điểm 10, còn môn Toán có 12 thí sinh điểm 10. Ngoại ngữ là môn thi thí sinh có nhiều điểm liệt nhất với 192 điểm liệt trên tổng số 656 điểm liệt của cả nước.
Nhận định về phổ điểm năm nay GS, TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, về cơ bản phổ điểm không có sự biến động quá lớn so với năm ngoái. Điều này không gây nên sự xáo trộn lớn đối với các thí sinh và phụ huynh cũng như công tác xét tuyển vào đại học.
Nêu một số điểm nhấn trong năm nay, GS, TS Nguyễn Đình Đức cho biết: “Năm nay, tỷ lệ môn Toán có sự điều chỉnh và phân hóa tốt hơn, điểm 8 trở lên chỉ chiếm trên 15% (năm ngoái chiếm tỷ lệ 21%). Tương tự, môn Vật lý, năm nay 21,3% (năm ngoái là 22,74 %). Đặc biệt môn Hóa học, tỷ lệ điểm giỏi năm nay chỉ 22,6% (năm ngoái là 27,8%). Đối với môn Lịch sử, năm nay đề thi cũng có sự điều chỉnh phù hợp. Năm ngoái tỷ lệ điểm giỏi (điểm 8 trở lên) của môn Lịch sử là 18%, năm nay chỉ còn 13%. Điều này cho thấy, đề thi phù hợp với trình độ của thí sinh cũng như chương trình THPT. Qua đây cũng có sự phản ánh cải thiện rất tốt đối với môn Lịch sử (năm 2021, tỷ lệ điểm 8 trở lên chỉ đạt 5,43%). Về môn Giáo dục công dân, tỷ lệ điểm giỏi như vậy thể hiện được năng lực của các em, sự quan tâm đến xã hội và hiểu biết về giáo dục công dân tốt hơn”.
Nhận định kết quả năm nay cho một tín hiệu tích cực, nhất là với môn Lịch sử và Giáo dục công dân, tuy nhiên GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tỏ ra khá băn khoăn với kết quả môn Ngoại ngữ. Từ đó đề xuất cần có những tác động để điều chỉnh về mặt chính sách nhằm cải thiện cách dạy, học, kiểm tra, đánh giá cũng như đầu tư về ngoại ngữ cho các vùng, miền khác nhau. Đồng quan điểm, TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT cho rằng, trong số 876.102 thí sinh dự thi, số đạt điểm dưới trung bình môn tiếng Anh là 392.784 (chiếm tỷ lệ 44,83%), điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,2 điểm, số thí sinh có điểm từ 1 trở xuống là 192 em, cho thấy chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn nhiều bất cập. Để có những chính sách điều chỉnh phù hợp, Bộ GD-ĐT nên phân tích đến từng vùng, từng trường học để có thể nắm được thực trạng cụ thể. Trên cơ sở đó mới có kết luận và các đề xuất chính xác về dạy và học ngoại ngữ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, đến thời điểm này, dự kiến có trên 98% thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Sau khi công bố kết quả thi, tiếp tục tập trung cho công tác phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023.