A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không gian xanh của đô thị văn minh

Với định hướng phát triển đô thị xanh gắn với bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử, TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp phát triển mảng xanh đô thị. Trong dịp Tết trồng cây Xuân Quý Mão 2023, thành phố đẩy mạnh nhiều mô hình trồng cây hiệu quả, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia.

Không ngừng mở rộng không gian xanh

Những năm gần đây, cây xanh, mảng xanh đô thị (các loại cây, hoa, tiểu cảnh, công viên, rừng...) ở TP Hồ Chí Minh đã được mở rộng diện tích, đa dạng loài cây, mô hình. Cây xanh, hoa được trồng trên các tuyến đường, công viên, khu đô thị, điểm di tích lịch sử, công trình văn hóa... So với 5 năm trước, hệ thống cây xanh ở TP Hồ Chí Minh tại các công viên, dọc các tuyến đường trung tâm, điểm du lịch... được phát triển, mang lại không gian xanh mát, trong lành cho người dân và du khách. Các khu đô thị quy mô lớn khi triển khai xây dựng cũng áp dụng các mảng không gian xanh trong quy hoạch, được duy trì, chăm sóc khá bài bản, tạo nên cảnh quan văn hóa đặc trưng như: Đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức)...

 Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều cơ quan, đơn vị ở TP Hồ Chí Minh đã tổ chức các hoạt động Tết trồng cây. Tại Trường THCS Bùi Văn Thủ, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Tại đây, đoàn viên, thanh niên của Huyện đoàn Hóc Môn và Trường Quân sự Quân khu 7 đã trồng hàng trăm cây xanh, trao tặng chậu cây để xây dựng mảng xanh trong khuôn viên Trường THCS Bùi Văn Thủ. Thành đoàn TP Hồ Chí Minh còn phối hợp trao tặng cây giống trồng phân tán cho 8 trường tiểu học, THCS và 4 tuyến đường trên địa bàn. Các cơ sở đoàn trực thuộc cũng đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tết trồng cây nhằm góp phần phát triển mảng xanh, bảo vệ môi trường. Anh Trương Minh Tước Nguyên, Phó bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết: "Những năm qua, đoàn viên ở TP Hồ Chí Minh luôn xung kích trong những hoạt động phát triển các mảng xanh, không gian xanh, môi trường văn hóa trên địa bàn. Sau Tết Nguyên đán 2023, Thành đoàn đẩy mạnh nhiều hoạt động trồng cây nhằm tạo sự lan tỏa tình yêu thiên nhiên, gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian xanh; đồng thời phát động một năm hành động vì môi trường xanh, nếp sống xanh trong đoàn viên, thanh thiếu nhi thành phố".

 Chăm sóc cây xanh ở Công viên Hòa Bình, quận Gò Vấp.

TP Thủ Đức là địa bàn mới thành lập hơn hai năm nhưng đã tạo được nhiều dấu ấn về mở rộng, phát triển mảng xanh đô thị. Trong năm 2021 và 2022, địa phương này đã hoàn tất quy hoạch, huy động các nguồn vốn để phát triển 26 công viên trên địa bàn; triển khai kế hoạch đầu tư công và xã hội hóa đầu tư phát triển khoảng 1 triệu cây xanh. Chương trình này nhằm tăng cường mảng xanh tại các công viên, các tuyến đường để TP Thủ Đức trở thành một hình mẫu về phát triển đô thị xanh.

Theo Phòng Quản lý công viên cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, dù có nhiều đổi mới trong phát triển mảng xanh đô thị, mang lại không gian văn hóa ở đô thị nhưng xét về tỷ lệ, quy mô đô thị, TP Hồ Chí Minh có mật độ cây xanh công cộng còn thấp, chỉ đạt hơn 1m2/người. Mật độ này theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 là 15m2/người. 

Đẩy mạnh phong trào, xây dựng văn hóa trồng cây

Tại TP Hồ Chí Minh, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh trong các đồ án quy hoạch đến hơn 11.400ha, tương ứng với chỉ tiêu 7m2/người. Thành phố đã phê duyệt chương trình phát triển công viên và mảng xanh công cộng trên địa bàn giai đoạn 2020-2030 gắn với mục tiêu tăng 450ha công viên và trồng mới, cải tạo 50.000 cây xanh. Riêng trong giai đoạn 2020-2025, TP Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu tăng thêm tối thiểu 150ha đất công viên, tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng.

Để đạt được mục tiêu trên, TP Hồ Chí Minh đang tiến hành rà soát các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000, kiểm tra thực tế và giám sát quy hoạch công viên, kêu gọi đầu tư, tìm nguồn vốn để xây dựng công viên, mảng xanh. Các khu đô thị mới đều phải áp dụng tỷ lệ diện tích dành cho công viên và không gian mở. Một trong những giải pháp mở rộng mảng xanh, tạo môi trường không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng là triển khai di dời các nhà xưởng trong khu dân cư để tạo quỹ đất quy hoạch, xây dựng công viên.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh, thành phố muốn phát triển mảng xanh đô thị thì cần mở rộng các hình thức kêu gọi đầu tư, xã hội hóa trong xây dựng mới công viên, trồng mới và chăm sóc cây xanh, vườn hoa; đa dạng các loại hình khai thác phù hợp như: Khu vui chơi có thu phí; khu vực triển lãm, trưng bày hoa cảnh, cảnh quan chuyên đề; khu dịch vụ thể dục thể thao trong nhà hoặc ngoài trời... Phát triển không gian xanh, môi trường văn hóa xanh, sạch, đẹp, văn minh là yêu cầu, xu hướng phát triển đô thị hiện đại. TP Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô, mật độ dân số lớn, vì thế, để đáp ứng các yếu tố trên, giới chuyên gia cho rằng, bên cạnh công tác quy hoạch, đầu tư công, cần phát động phong trào phát triển, chăm sóc, gìn giữ hệ thống mảng xanh đô thị, mảng xanh trong mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư. Các phong trào: "Tết trồng cây", "Đổi rác lấy cây xanh", "Cuộc thi môi trường xanh"... cần chú trọng tổ chức đi vào chiều sâu, trở thành nhu cầu tự giác của người dân. Thông qua các phong trào hành động sẽ giúp người dân có trách nhiệm, tình yêu đối với cây xanh, với môi trường sống, không gian xanh-sạch-đẹp, góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh thực sự là đô thị văn minh, hiện đại, đô thị xanh kiểu mẫu của cả nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết