A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lanh Lùng Tám: Đổi thay cuộc sống của nhiều phụ nữ người Mông

Nghề trồng lanh, dệt vải là nghề truyền thống gắn bó mật thiết với đồng bào Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Khi nhận thấy nghề truyền thống của cha ông có dấu hiệu bị mai một, bà Vàng Thị Mai một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lùng Tám đã vận động bà con giúp sức để thành lập hợp tác xã (HTX).

Năm 2001 HTX Lanh Lùng Tám được thành lập, đánh dấu bước tiến mới của thổ cẩm Lùng Tám, chắp cánh cho sản phẩm vươn xa bay cao. Từ khi đi vào hoạt động HTX Lanh Lùng Tám không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, mà còn mang lại nguồn thu nhập cho chị em phụ nữ người Mông địa phương.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập HTX Lanh Lùng Tám chỉ có ̉10 người tham gia với số vốn vẻn vẹn 13 triệu đồng. Thu nhập lúc đó cũng chỉ vài trăm nghìn/tháng. Đến nay, sau 22 năm HTX Lanh Lùng Tám đã quy tụ được hàng trăm phụ nữ Mông ở 3 xã trên địa bàn huyện Quản Bạ vào chung một mái nhà. Vào làm việc tại HTX đã giúp những phụ nữ người Mông tự làm ra kinh tế, chủ động nguồn thu nhập, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội được nâng lên.

Để sản phẩm thổ cẩm hoàn hiện phải trải qua 41 công đoạn, từ trồng lanh, thu hoạch, bóc tách sợi, giã sợi, quay sợi, nấu sợi, dựng khung dệt… Đầu tiên là tước cây lanh để lấy vỏ. Những bó vỏ lanh được cuộn chặt, cho vào cối giã cho bong hết bột, chỉ còn lại sợi dai, rồi được xe và cuộn lại thành những con sợi lớn. Sợi lanh được luộc bằng nước tro bếp vài lần; một lần luộc nước sáp ong để sợi trắng và mềm hơn. Sau đó, phụ nữ Mông sẽ dệt thành những tấm vải lanh màu trắng. Từ đây, các nghệ nhân bắt đầu tỉ mẩn vẽ họa tiết thổ cẩm nhiều màu lên tấm vải để cho ra những sản phẩm hoàn chỉnh.

Theo bà Mai, một trong những điều đặc biệt tạo nên thương hiệu của những tấm thổ cẩm lanh của người Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn chính là việc tạo nên những hoa văn, họa tiết bằng kỹ thuật thêu đắp vải màu và vẽ hoa văn sáp ong độc đáo. Trong đó công đoạn vẽ sáp ong trên vải lanh là khâu quan trọng nhất, bởi vẽ sao cho họa tiết phải đẹp, rõ nét. Riêng công đoạn vẽ đã mất cả tuần, cả tháng mới hoàn thành.

Hoa văn trên thổ cẩm của người Mông rất đa dạng, chủ yếu là các hoa văn hình học như khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi và những họa tiết cách điệu hình hoa cỏ, lá cây, muông thú. Các mẫu hoa văn được lưu giữ qua trí nhớ của người phụ nữ. Mỗi hoa văn mang một ý nghĩa riêng, phản ánh tập tục sinh hoạt, đời sống của người Mông.

Hiện nay, HTX Lanh Lùng Tám cho ra đời nhiều loại sản phẩm như áo, váy, khăn quàng, túi xách, ví, vỏ chăn, khăn trải bàn, ba lô, túi đeo điện thoại, chiếc móc chìa khóa xinh xắn… đã trở thành hàng hóa được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng.

Có thể thấy từ khi thành lập HTX Lanh Lùng Tám không chỉ giữ gìn bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giá trị văn hóa của người Mông trên Cao nguyên đá mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho rất nhiều phụ nữ người Mông.

Có được thương hiệu và đầu ra, sản phẩm thổ cẩm của HTX Lanh Lùng Tám ngày càng được nhiều du khách biết đến. Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm lanh Lùng Tám đã theo chân du khách đến khắp mọi miền đất nước và đã được xuất khẩu tới hơn 20 nước, không chỉ đem lại thu nhập mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết