A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình chữa trị bệnh hen, phổi tắc nghẽn hiệu quả

Các bệnh hen, phổi tắc nghẽn đang là loại bệnh hô hấp gia tăng trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong, trong đó bệnh hô hấp mạn tính chiếm tỷ lệ cao thứ 3. Với niềm đam mê y học và mang đến giải pháp hữu hiệu để điều trị loại bệnh này, PGS, TS, BS Lê Thị Tuyết Lan, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Liên chi hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng TP Hồ Chí Minh đã tâm huyết, xây dựng mô hình chăm sóc bệnh nhân hen, phổi tắc nghẽn mạn tính tại cộng đồng trong nhiều năm qua.

Theo chia sẻ của PGS, TS, BS Lê Thị Tuyết Lan, những bệnh nhân bị bệnh hen, phổi tắc nghẽn mạn tính lên cơn cấp nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Nếu cấp cứu thành công, bệnh nhân cũng phải lưu trú và điều trị trong bệnh viện cho đến hết đợt cấp mới được xuất viện. Lúc nào bệnh nhân xảy ra đợt cấp khác lại phải cấp cứu. Mỗi đợt điều trị cấp bệnh hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh nhân phải tốn chi phí từ 20 đến 200 triệu đồng.

Từ suy nghĩ phải làm cách nào đó để giảm bớt gánh nặng kinh tế, tinh thần cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, PGS, TS, BS Lê Thị Tuyết Lan đã nghiên cứu, xây dựng mô hình chăm sóc bệnh nhân hen, phổi tắc nghẽn mạn tính tại cộng đồng. Mỗi điểm chăm sóc bệnh nhân được coi là một đơn vị, gọi là đơn vị ACOCU (viết tắt của từ Astha copd outpatient care unit-đơn vị quản lý ngoại trú hen và COPD) và thiết lập đơn vị ACOCU đầu tiên tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

Bệnh nhân bị bệnh hen được tiếp cận mô hình đơn vị ACOCU triển khai ở tuyến y tế quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh. 

Với tâm huyết mong muốn mở rộng mạng lưới mô hình để nhiều bệnh nhân bị bệnh hen, phổi tắc nghẽn mạn tính được tiếp cận, thừa hưởng những ưu việt của mô hình, chị Lê Thị Tuyết Lan và các cộng sự đã phối hợp triển khai thiết lập mô hình ở các bệnh viện tuyến quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh. Chỉ trong vài năm, tất cả cơ sở y tế cấp quận, huyện và TP trực thuộc TP Hồ Chí Minh đã được chuyển giao, thiết lập mô hình đơn vị ACOCU. Mỗi đơn vị có 15 bác sĩ, 10 điều dưỡng và 5 kỹ thuật viên kèm cơ sở vật chất gồm: Hô hấp ký KOKO, mẫu bệnh án hen, COPD; phần mềm quản lý hồ sơ hen COPD và tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe... Mô hình ở tuyến quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tạo sức hút đối với các bệnh nhân mắc nhóm bệnh hen, phổi tắc nghẽn... giúp bệnh nhân không phải điều trị trái tuyến, phát sinh nhiều chi phí, khi điều trị tại đơn vị ACOCU ở tuyến quận, huyện được cơ quan bảo hiểm y tế chi trả 80% tổng chi phí điều trị...

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quận 11, cho biết, đơn vị ACOCU thuộc Bệnh viện Quận 11 hiện quản lý hơn 2.120 hồ sơ bệnh án hen-COPD ngoại trú, 30.406 lượt khám. Số ca đo hô hấp đăng ký mỗi ngày từ 15 đến 20 ca. Bệnh viện đã có phần mềm quản lý hồ sơ hen-COPD trong quận. Mô hình này mang lại hiệu quả rất lớn, giúp các bệnh nhân lên cơn cấp đối với bệnh hen giảm 40% và COPD giảm khoảng 13%, hơn nữa còn giảm áp lực cho các bác sĩ điều trị, giảm lượt khám đối với bệnh nhân... Đây là mô hình cần được nhân rộng để tăng độ tiếp cận, tạo thuận lợi nhiều hơn đối với người bệnh bị bệnh hen, phổi tắc nghẽn vốn chịu nhiều khó khăn.


Tags: bệnh hen
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết