A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở rộng quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư nước ngoài

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật Đất đai năm 2024 là mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Luật Đất đai năm 2024 đã góp phần mở rộng hơn quyền của người Việt Nam định cư tại nước ngoài với nhiều điểm mới trong quy định về: Đối tượng là người sử dụng đất; hoạt động kinh doanh bất động sản đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Tại khoản 3, khoản 6 Điều 4 Luật Đất đai năm 2024 quy định rộng hơn về đối tượng người sử dụng đất bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Như vậy, Luật Đất đai năm 2024 đã quy định đối tượng là người sử dụng đất rộng hơn so với Luật Đất đai năm 2013, từ đó xác định đúng hơn quyền và trách nhiệm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài. Từ đó, tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này có môi trường thuận lợi để thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh, làm việc, sinh sống... tại Việt Nam.

Luật Đất đai 2024 đã góp phần mở rộng hơn quyền của người Việt Nam định cư tại nước ngoài. Ảnh minh họa: vneconomy.vn 

Bên cạnh đó, việc Luật Đất đai năm 2024 quy định rõ đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài cho thấy sự đồng bộ, thống nhất với quy định tại Luật Quốc tịch năm 2008 là người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống ở nước ngoài. Đồng thời, quy định này cũng cho thấy bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2024 thống nhất với các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quốc tịch, Luật Nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Việc mở rộng quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bước tiến lớn. Đây sẽ là một trong những nhân tố tác động tích cực đến thị trường bất động sản, thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cần quản lý và kiểm soát chặt chẽ, tránh lạm dụng quyền sử dụng đất hoặc vi phạm quy định pháp luật liên quan đến đất đai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết