Ngành quân y chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Những ngày qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước tiếp tục tăng, nhất là trên địa bàn TP Hà Nội và không ít quân nhân đã mắc SXH.
Để ứng phó hiệu quả với dịch SXH và các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác, ngành quân y đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, sẵn sàng thu dung, điều trị, bảo đảm tốt sức khỏe bộ đội và nhân dân.
Số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng mạnh
Chúng tôi đến Bệnh viện Quân y (BVQY) 354 thuộc Tổng cục Hậu cần (TCHC) lúc sáng sớm, nhưng ở các khu vực khám bệnh đã có rất đông bệnh nhân. Đặc biệt, tại khu vực khám bệnh của Khoa Nội truyền nhiễm-Da liễu, số lượng bệnh nhân đông hơn nhiều so với bình thường. Theo Đại tá, bác sĩ chuyên khoa (BSCK) I Nguyễn Ngọc Du, Chính ủy Bệnh viện: Hơn một tháng nay, Khoa Nội truyền nhiễm-Da liễu luôn trong tình trạng quá tải. Khoa được biên chế tối đa 100 giường bệnh nhưng số bệnh nhân thu dung, điều trị cao hơn nhiều. Hiện nay, bệnh nhân vào viện do mắc SXH và các loại dịch cúm vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Có ngày, Khoa khám cho hơn 100 ca, chủ yếu là bệnh nhân mắc SXH, trong đó có nhiều quân nhân.
Đại tá, BSCK II Tống Viết Thắng, Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm-Da liễu cho biết thêm: Tính từ đầu tháng 6 đến nay, Khoa đã khám, điều trị hơn 900 ca SXH, trong đó có gần 200 quân nhân. So với các năm trước, dịch SXH năm nay diễn biến phức tạp hơn; số lượng bệnh nhân đông, triệu chứng bệnh nặng hơn. Thông thường, các bệnh nhân SXH phải đến ngày thứ 4, thứ 5 mới xuất hiện tình trạng tụt tiểu cầu, nhưng nay, có bệnh nhân chỉ ngày đầu hoặc ngày thứ hai đã diễn ra hiện tượng này. Số bệnh nhân phải truyền tiểu cầu cũng tăng mạnh. Có bệnh nhân phải truyền 2-3 lần tiểu cầu mới trở về bình thường. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị SXH kèm theo các dịch bệnh khác như nhiễm Covid-19, cúm A, B khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.
Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II Tống Viết Thắng, Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm - Da liễu (Bệnh viện Quân y 354) thăm khám cho quân nhân mắc sốt xuất huyết. |
Tại BVQY 105 (TCHC) đứng chân ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Trung tá, BSCK II Nguyễn Văn Tình, Chủ nhiệm Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: “Gần một tháng nay, số bệnh nhân SXH phải nhập viện tăng, trung bình mỗi ngày có 5-6 trường hợp. Đối với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, chưa có biểu hiện giảm tiểu cầu hoặc lượng tiểu cầu giảm ít, chúng tôi hướng dẫn về nhà tự theo dõi và hẹn ngày tái khám. Hiện tại, Khoa đang điều trị cả bệnh nhân Covid-19 và các mặt bệnh truyền nhiễm khác, với tổng số gần 100 người; trong đó, bệnh nhân SXH chiếm gần một nửa nhưng từ đầu đợt dịch đến nay, chỉ có vài trường hợp bệnh nhân SXH là quân nhân. Các bệnh nhân SXH điều trị tại Khoa thường chỉ đến ngày thứ 8 là ổn định, hết sốt, được ra viện”.
Trò chuyện với Đại tá, TS, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), chúng tôi được biết, những tháng gần đây, bệnh nhân SXH đến khám, điều trị tại Viện rất đông, trong đó có cả quân nhân. Đáng chú ý là năm nay xuất hiện tình trạng “dịch chồng dịch” khiến nhiều bệnh nhân chủ quan, không nghĩ mình bị SXH nên lúc đến bệnh viện thì đã ở thể nặng. Từ tháng 10 sang tháng 11, lượng bệnh nhân SXH tăng rất cao, có ngày, Viện khám cho 70-90 bệnh nhân, trong đó gần 50% bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo nặng; tỷ lệ bệnh nhân là quân nhân chiếm khoảng 10%. Do Viện đang xây dựng mới nên số giường bệnh hiện chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu. Ngoài ra, số bệnh nhân cần phải truyền tiểu cầu nhiều, trong khi khả năng đáp ứng tại chỗ có mức độ nên Viện cũng gặp khá nhiều khó khăn trong điều trị...
Chủ động phòng, chống dịch, sẵn sàng ứng phó mọi cấp độ
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, từ đầu tháng 10, Ban giám đốc BVQY 354 đã phân công thêm 3 khoa cùng “chia lửa” với Khoa Truyền nhiễm-Da liễu; đồng thời, xây dựng phương án, dồn dịch một số khoa chức năng, kê thêm giường để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điều trị trong trường hợp dịch SXH diễn biến phức tạp hơn. Theo Đại tá, BSCK II Tống Viết Thắng, Khoa Truyền nhiễm-Da liễu đã đề xuất với Ban giám đốc BVQY 354 tăng cường thêm cán bộ của các khoa khác; đồng thời, cắt cử thêm lực lượng trực. Bình thường, Khoa bố trí một ca trực gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, nhưng từ khi dịch SXH vào giai đoạn cao điểm thì phải 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng trực. Tất cả cán bộ, nhân viên thực hiện phương châm “làm hết việc chứ không làm theo giờ hành chính”.
Còn ở Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Đại tá, TS, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Đăng Mạnh chia sẻ: "Trước những khó khăn do nhiều bệnh nhân SXH, ở thể nặng, Viện đã tăng cường tổ chức huấn luyện, đào tạo, sinh hoạt khoa học giúp cán bộ, nhân viên nắm được kiến thức, phác đồ điều trị tiên tiến; gửi bệnh nhân sang các khoa khác trong bệnh viện để cùng phối hợp điều trị. Quá trình thu dung, các bác sĩ tổ chức khám sàng lọc kỹ để hướng dẫn những bệnh nhân nhẹ tự điều trị tại gia đình, hẹn ngày đến tái khám; chỉ cho nhập viện đối với những bệnh nhân nặng. Do nhu cầu tiểu cầu rất lớn, Viện đã tích cực phối hợp tổ chức vận động người cho máu và huy động nguồn máu từ người nhà bệnh nhân. Viện vừa tham mưu với cấp trên xây dựng một số phương án, trong đó dự kiến sẽ thành lập khu điều trị dã chiến về SXH với khoảng 50 giường bệnh để tổ chức tiếp nhận bệnh nhân 24/24 giờ trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn".
Trao đổi với Đại tá, TS Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y (TCHC), chúng tôi được biết: Ngay từ tháng 4-2022, khi dịch SXH bùng phát tại các tỉnh phía Nam, Cục Quân y đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và ngành quân y toàn quân quyết liệt triển khai các biện pháp để chủ động phòng, chống. Tháng 10 vừa qua, trước diễn biến dịch SXH và các loại dịch bệnh khác trên cả nước ngày càng phức tạp, Cục Quân y tiếp tục ra văn bản hướng dẫn toàn quân phòng, chống dịch bệnh mùa đông-xuân; trong đó, hướng dẫn cụ thể quân y các đơn vị thực hiện đầy đủ các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy), tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực đơn vị đóng quân. Tổ chức hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt các biện pháp cá nhân chống muỗi đốt như mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài, xoa kem chống muỗi, nhất là khi phải thực hiện các nhiệm vụ cơ động, diễn tập trong các khu vực rừng núi... Đối với các BVQY, cơ sở khám, điều trị trong Quân đội, Cục Quân y yêu cầu phải thực hiện đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue của Bộ Y tế.
Đại tá, TS Nguyễn Vân Giang lưu ý, cùng với phòng, chống SXH, quân y các đơn vị và hệ thống cơ sở khám, điều trị trong toàn quân cần quan tâm, chủ động triển khai các biện pháp để ứng phó hiệu quả với những loại dịch khác, đặc biệt là Covid-19, cúm A, cúm B, bệnh do virus Ebola, bệnh do virus Adeno, sởi, Rubella... Khi phát hiện ca bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch, phải báo cáo lên quân y cấp trên, Viện Y học dự phòng Quân đội và Cục Quân y để được chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời.
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến ngày 10-11, cả nước ghi nhận hơn 292.000 trường hợp mắc SXH, trong đó hơn 110 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH tăng gần 5 lần, số ca tử vong tăng hơn 90 trường hợp. Trên địa bàn TP Hà Nội đã ghi nhận gần 11.000 ca mắc SXH, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 12 ca tử vong (năm 2021 không có ca tử vong); đặc biệt, số ca mắc SXH tăng mạnh những tuần gần đây, lên tới 1.200-1.400 ca/tuần. (Nguồn: Bộ Y tế) |