A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy cơ tàn phế do tự làm pháo nổ

Càng cận Tết, câu chuyện về pháo lại càng báo động hơn bao giờ hết. Liên tục những ngày qua, tại nhiều bệnh viện trên cả nước đã tiếp nhận không ít vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ tự chế, nạn nhân đa phần là thanh, thiếu niên.

Giữa tháng 12-2021, T.T.H (19 tuổi, ở tỉnh Hải Dương) mua bột làm pháo về tự chế thì bất ngờ phát nổ, gây tai nạn và cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức (Hà Nội). Tại đây, ê-kíp bác sĩ cùng lúc phải phẫu thuật bàn tay giập nát, sửa mỏm cụt hầu hết các đốt ngón, điều trị đa chấn thương vùng mặt. Ngoài ra, kíp bác sĩ chuyên khoa mắt còn phối hợp xử lý vết thương mắt, loại bỏ nhãn cầu trái bị hỏng. Cuối tháng 12-2021, cũng do tự chế pháo tại nhà và không may pháo phát nổ, em T.Đ.A (15 tuổi, ở tỉnh Quảng Ninh) đã phải cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí với nhiều vết thương vùng bàn tay trái và hai mắt. Tương tự, em N.T.T (14 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng bàn tay trái giập nát, bị xẻ đôi, chảy nhiều máu cũng vì tự chế pháo...

Một bệnh nhân bị bỏng do pháo nổ điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: KIM OANH 

PGS, TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt-tạo hình-thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, hằng năm, cứ vào dịp cận Tết, bệnh viện lại tiếp nhận nhiều ca tai nạn do pháo. Nguyên nhân chủ yếu là bệnh nhân tự mua thuốc nổ về chế pháo. Do khoảng cách phát nổ quá gần khiến nạn nhân bị cụt tay, mù mắt, nát mặt... Điều đáng nói, đa số gặp tai nạn pháo nổ là thanh, thiếu niên; nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời. Tai nạn pháo nổ đã đánh mất đi tương lai của các em.

Những hậu quả khôn lường từ việc sử dụng pháo nổ tự chế đã rõ, thế nhưng căn nguyên của vấn đề vẫn là bài toán chưa có lời giải. Trong khi đó, trên các trang mạng xã hội đăng tải tràn lan cách làm pháo nổ, pháo hoa tự chế. Các đối tượng lên mạng tìm hiểu cách chế tạo pháo nổ, sau đó đặt mua các loại hóa chất... rồi về pha trộn thành thuốc pháo. Sau đó, mua thêm loại phụ kiện thông thường khác như keo dán, bột cưa, sử dụng giấy để cuốn hoặc chế các ống nhựa PVC rồi chế tạo, sản xuất pháo.

Trên thực tế, mặc dù cơ quan chức năng, báo chí đã có nhiều thông tin cảnh báo sự nguy hiểm cũng như các quy định của pháp luật về pháo; thậm chí bắt giữ, xử lý hình sự nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển pháo nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Pháp luật có mức phạt rất nghiêm khắc nhưng vì lợi nhuận, thú vui, cũng có thể là sự thiếu hiểu biết pháp luật, một số người dân vẫn buôn bán, làm pháo, đốt pháo. Các đối tượng vẫn lén lút sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại pháo. Hậu quả là những tai nạn về pháo, đặc biệt là pháo nổ tự chế đã xảy ra ở nhiều nơi vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Để hạn chế tai nạn đáng tiếc, gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ, đặc biệt người bị tai nạn thường là học sinh-độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết, gia đình cần giám sát việc xem các clip dạy cách làm pháo nổ tự chế trên mạng của các em.


Tags: pháo nổ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết